Lớp học tiếng Anh miễn phí của thầy giáo làng mê bưởi Diễn

Về xã Dậu Dương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, hỏi “thầy giáo làng” Phan Ngọc Trâm, không ai không biết bởi đam mê với cây bưởi Diễn và dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo trong vùng.
Nơi lớp học của thầy trò nằm trên tầng thượng của ngôi nhà rất gọn gàng và mát mẻ.

Thầy giáo làng 73 tuổi Phan Ngọc Trâm tổ chức các lớp học miễn phí tại nhà cho những học sinh có học lực yếu, hoàn cảnh khó khăn. Từng làm việc ở Bộ Ngoại giao nên thầy Trâm có vốn ngoại ngữ phong phú, nhất là tiếng Anh. Năm 2007, khi về nghỉ hưu tại quê nhà, thấy học sinh trong làng còn hạn chế trong cách học, cách phát âm Tiếng Anh nên thầy có ý tưởng dạy cho một vài cháu nhỏ cạnh nhà.

Từ "thầy giáo làng"…

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về thầy, đó là người da mồi tóc sương nhưng vẫn còn rất minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn, nói chuyện dí dỏm. Con cái đi công tác, làm ăn xa, thầy Trâm cùng vợ sống bình dị trong căn nhà cũ rêu phong, nền gạch vuông vức. Trên sân thượng của ngôi nhà nhỏ, thầy dành bàn ghế gọn gàng để dạy tiếng Anh cho học sinh trong làng.

Kể về những ngày tháng tuổi trẻ, giọng nói thầy sôi nổi hẳn lên. Vừa rót nước mời chúng tôi, thầy vừa kể chuyện: “Thầy giáo gì đâu, tôi làm gì có bằng cấp dạy học gì. Thấy trẻ con trong xóm bị hổng nhiều kiến thức quá, nên tôi có chút kiến thức muốn truyền cho chúng thôi”.

Nhấp ngụm nước chè, thầy kể: “Cuộc đời tôi may mắn vì có nhiều cơ hội được đi học tập, công tác ở nhiều nơi, trong nước có, ngoài nước cũng nhiều như Anh, Ai Cập, Mỹ… Trước đây tôi công tác ở Bộ ngoại giao nên cũng có nhiều cơ hội được giao tiếp và học hỏi, đặc biệt là ngôn ngữ tiếng Anh. Tôi chỉ dạy bọn trẻ trong xóm những kiến thức, những hiểu biết của bản thân được đúc rút trong quá trình học tập, công tác chứ không giảng dạy theo chương trình của nhà trường”.

Ban đầu lớp học của thầy Trâm chỉ có một đứa cháu ngoại, về sau thấy không khí học kém sôi nổi, thầy mới nói cháu tìm thêm bạn về học cùng cho vui. Rồi từ đó lớp thầy có 5, 10 rồi giờ đây là 40-50 em học sinh. “Nhiều người, ngay cả vợ và con cái tôi ban đầu đều phản đối. Họ đều nghĩ sao ông phải khổ thế, rỗi hơi, rước mệt vào người, nghỉ hưu rồi thì cứ nghỉ ngơi thôi. Nhưng nhìn thấy các cháu hổng kiến thức nhiều quá nên tôi không đành lòng”, thầy tâm sự.

Thầy Trâm lên lớp chỉ với mấy cái bút và vài tờ giấy, tất cả kiến thức ông truyền dạy lại cho các cháu đều nằm hoàn toàn trong đầu của "thầy giáo làng".

Lớp học hiệu quả, trẻ tiếp thu tốt khiến “tiếng lành đồn xa”, nhiều gia đình cũng đưa con đến tìm “thầy giáo Trâm” xin học. Đến nay, lớp học của thầy đã có 50 học sinh ở các độ tuổi khác nhau. Đã hơn chục năm trôi qua với bao lứa học trò nhưng lớp học của thầy vẫn hoàn toàn miễn phí. Để thuận tiện trong việc truyền tải kiến thức, thầy phân ra 3 nhóm lớp: Học sinh lớp 1 đến lớp 4, học sinh lớp 5 đến lớp 8, học sinh lớp 9 đến lớp 12. Mỗi tuần, thầy tổ chức dạy 2 buổi vào thứ 7, chủ nhật. Có những học sinh đã gắn bó với thầy từ khi còn học cấp 2 cho tới khi thi vào đại học. Qua quá trình dạy, thầy đều nhận được những kết quả tích cực từ các trò. 

“Tôi luôn nói với các bậc huynh và các cháu là phải ưu tiên dành thời gian cho các hoạt động, các môn học ở trường. Việc học với tôi chỉ là phụ, là củng cố, và mở rộng hơn những kiến thức tiếp thu từ chương trình đào tạo của nhà trường. Dù các cháu có học tốt tại các buổi học của tôi thế nào thì kết quả đó cũng sẽ không nằm trong học bạ sau này. Nhưng nói vậy không có nghĩa là tôi dễ dãi, ai thích thì học không thích thì thôi. Nếu đã ngồi vào học lớp của tôi là phải thực sự nghiêm túc, nếu không thì nghỉ ở nhà để nhường chỗ cho các bạn khác”, ông nói.

Vài quyển sách đã nhuốm màu thời gian thầy giáo làng dùng để luyện đề cho các cháu.

Thầy Trâm tâm sự: “Để có phương pháp dạy học hiệu quả và hợp lý, tôi đã tìm tòi và phải tự sáng tạo; phải biết lực học của từng em để có cách củng cố kiến thức, dạy cho phù hợp. Dạy phải biết kết hợp với dỗ, phải động viên, khuyến khích và yêu mến các em thực sự bằng tấm lòng. Phương pháp dạy học rất quan trọng, nếu chỉ có truyền đạt kiến thức thì sẽ không thể mang thành công đến cho các em. Trong quá trình dạy, tôi lồng ghép nguồn kiến thức phong phú và đa dạng từ tin tức trên TV, báo đài, kinh nghiệm cuộc sống thực tế, gợi sự sáng tạo của các em để các em dễ hiểu, dễ tiếp thu, rèn luyện. Đồng thời, xây dựng hệ thống các bộ đề để các em làm và giải đáp những khúc mắc".

Có lẽ, vì sự chân tình ấy mà nhiều người con quê hương Dậu Dương ai cũng muốn gửi gắm con, cháu về nhờ thầy giáo làng kèm cặp trong mỗi dịp hè về. Khi được hỏi, có bao giờ ông nghĩ chuyện thôi dạy chưa, ông nói: “Bao giờ trò hỏi bài mà tôi không nghĩ ra được đáp án để trả lời trò nữa thì lúc đó tôi mới thôi”.

Đến phát triển kinh tế

Không chỉ làm “thầy giáo làng”, ông Trâm còn được biết đến là một điển hình phát triển kinh tế từ cây bưởi Diễn. Thầy Trâm là người tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng ở địa phương khi mạnh dạn phá bỏ vườn mơ, vườn mít để chuyển sang trồng bưởi. Vườn bưởi của thầy đến nay có những cây tuổi đời gần 20 năm. 

Hiện, thầy là nhóm trưởng CLB bưởi Diễn của xã với 13 thành viên được thành lập từ năm 2012, cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm để giúp nhau phát triển cây bưởi một cách hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Nhóm cũng đưa ra những quy chế hoạt động riêng như: Không được phép tự động phá vườn bưởi Diễn; trước khi thu hoạch, họp thông báo giá thấp nhất để chống phá giá. Hằng tháng, mỗi người đóng quỹ 1 triệu đồng nhằm hỗ trợ thành viên trong nhóm vốn để đầu tư, chăm sóc vườn bưởi.

Ngoài thời gian lên lớp dạy cho các cháu quanh xóm, thời gian còn lại "thầy giáo làng" lại tất bật với đam mê phát triển cây bưởi Diễn
Các thành viên, cũng như nhiều người dân trong xóm mỗi khi gặp khó khăn về giống cây hay cách trồng, chăm sóc, xử lý bệnh cho cây đều tìm đến nhờ thầy giáo làng giúp đỡ. Luôn nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ bà con thôn xóm nên thầy được mọi người kính nể và quý mến với tên gọi "thầy giáo làng". 
Theo Theo Dân Việt