Dự án khởi động từ tháng 5-2010, dự án kéo dài 2 năm. Các hiệp hội doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nên vai trò của họ trong các cuộc đối thoại công tư giữa doanh nghiệp và chính quyền được đẩy mạnh. Qua đó, doanh nghiệp hiểu rõ về môi trường đầu tư, thủ tục và tiếp cận được các khoản tín dụng, các vấn đề về lao động và rộng hơn là môi trường kinh doanh.
Hoạt động đối thoại công tư cấp huyện giữa các doanh nghiệp và chính quyền địa phương các huyện Phước Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên đã giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong tìm kiếm môi trường kinh doanh, hiểu về chiến lược phát triển kinh tế địa phương để đầu tư đúng hướng và hiệu quả.
Huyện Phước Sơn, một trong những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam tham gia vào dự án của ILO. Đến nay, có hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ của huyện tham gia vào dự án của ILO.
Mục đích của dự án, góp phần cải thiện khả năng việc làm và tạo việc làm cho thanh niên khu vực nông thôn; thanh niên nông thôn được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất, thị trường để tiêu thụ sản phẩm, các cơ hội kinh doanh mới luôn mở ra với họ. Khi đã nắm bắt cơ hội khởi nghiệp, họ hoàn toàn có thể khởi động sự nghiệp và làm chủ doanh nghiệp.
Dựa trên kết quả đánh giá nhu cầu đào tạo và kế hoạch phát triển các chuỗi giá trị do các chuyên gia điều tra được, dự án đã hỗ trợ 20 khóa tập huấn ở 5 huyện, thu hút 150 thanh niên tham gia. Mỗi huyện cử 5 người tham gia khóa khởi sự doanh nghiệp và được đánh giá có ít nhất 50% số thanh niên đã qua tập huấn có khả năng khởi sự doanh nghiệp.
Họ hoàn toàn có khả năng tiếp cận thị trường để đưa sản phẩm tiêu thụ một cách chủ động mà không phụ thuộc vào những đầu mối thu mua nhỏ lẻ. Chính điều này giúp họ nắm bắt thông tin thị trường, chủ động đối với sản phẩm ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Họ được đào tạo về thiết kế sản phẩm, kỹ năng tiếp thị, an toàn lao động và kiến thức kinh doanh.
Khi chiến lược ra đời, nhiều vấn đề khó khăn về cung - cầu thị trường lao động sẽ được giải quyết. Nhiều chính sách và chương trình giải quyết vấn đề thị trường lao động sẽ được hoạch định, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trước mắt, hai chuỗi giá trị mây - tre và chuỗi giá trị rau được đầu tư ở các huyện để tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, miền núi và tăng cơ hội gia nhập thị trường cho doanh nghiệp.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, nhờ sự hỗ trợ của ILO, một số doanh nghiệp mây - tre tiếp cận thị trường mới trong nước như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... và nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ.
Tham gia vào dự án, chủ doanh nghiệp được tiếp cận thị trường mới, được quảng bá, tuyên truyền cho chính sản phẩm của họ. Lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên viên thị trường, chuyên viên thiết kế được nâng cao kỹ năng marketing, dịch vụ chăm sóc khách hàng và thương hiệu, thiết kế được nhiều sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, đa dạng.
Người lao động tại doanh nghiệp cũng được tập huấn kỹ năng đan mây - tre nâng cao, thu hoạch mây bền vững để khôi phục và phát triển nguồn nguyên liệu. Với chuỗi giá trị rau thì người nông dân tại Duy Xuyên và Thăng Bình đã được học cách sản xuất rau an toàn, tiếp cận đầu ra, đảm bảo cho sản phẩm trên thị trường.