Lời kể nhân chứng thoát chết trong đêm đá khổng lồ rơi trúng nhà dân

TPO - Một tảng đá lớn hàng chục tấn nằm ở độ cao gần 100m bất ngờ rơi xuống nhà dân sống dưới chân núi trong đêm. Vụ tai nạn đã làm hư hại hoàn toàn 2 ngôi nhà và cướp đi sinh mạng một thanh niên đang ngủ say.

Thoát chết trong gang tấc

Hai ngày sau vụ tai nạn tảng đá “khổng lồ” rơi trúng nhà, chị Trang vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại giây phút thoát chết trong gang tấc. Vẻ mặt thất thần và nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ chưa đến 30 tuổi. Tay bế con, chị chậm rãi nói: “may mắn là cả nhà còn sống, chứ lúc đấy em chỉ kịp nghĩ không thể thoát chết”.

Mất nhà nên chị Trang phải chuyển qua nhà bố đẻ cách nhà cũ 10 mét để tá túc.

Vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng ngày 27/7, tại tổ 4, khu 1A, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) khi một tảng đá lớn bất ngờ rơi từ độ cao gần 100 mét. Trên quãng đường lăn xuống chân núi, tảng đá tách làm đôi và rơi trúng 2 nhà dân sống ở dưới chân núi. Một tảng rơi trúng nhà bà Lê Thị Mận và đè chết anh Vũ Văn C. (27 tuổi) trong lúc đang ngủ. Tảng đá còn lại rơi trúng nhà chị Bùi Thị Kiều Trang làm sập căn nhà và cả gia đình 3 người suýt chết.

Tảng đá hàng chục tấn tách làm đôi rơi xuống nhà dân trong đêm gây thiệt hại nặng nề.

“Em chỉ nghe thấy ầm ầm rồi một tiếng động lớn sát ngay bên tai, em chỉ kịp ôm lấy con bé và cảm giác có vật gì đó đè lên người. Khi tỉnh lại thì thấy chồng em đang cố lôi mẹ con em ra khỏi đống đổ nát” – Chị Trang bùi ngùi kể lại.

Tảng đá tách làm đôi khi rơi xuống nhà dân được các nhà chức trách ước lượng mỗi tảng nặng hơn 10 tấn, tảng đá bé hơn rơi trúng nhà chị Trang và làm sập bức tường sát giường ngủ, bức tường và phần mái nhà đè lên mẹ con chị Trang nhưng may mắn thoát chết vì tảng đá kịp dừng lại.

 Sau đêm kinh hoàng chỉ còn lại đống đổ nát.

“Tôi nằm giường ngoài và chỉ kịp nghe thấy tiếng động lớn, trời đất rung chuyển. Biết có chuyện chẳng lành nên vội vàng chạy vào buồng ngủ thì không thấy vợ con đâu, chỉ thấy bức tường lớn đè lên chiếc giường vợ con tôi nằm. Lúc đấy chân tay bủn rủn chỉ kịp vơ lấy chiếc đèn pin và quờ quạng trong đống đổ nát để tìm vợ con” – Anh Nhâm Văn Thiên (chồng chị Trang) bàng hoàng kể lại.

Bức tường đổ ập xuống, đầu chị Trang bị va đập mạnh nên ngất đi. Khi lật những mảng tường vỡ vụn và chứng kiến khuôn mặt đầy máu của vợ, Thiên đã tưởng chừng hết hy vọng: “Vừa kéo tay vừa gọi tên, một lúc sau em thấy vợ mở mắt ra, lúc đấy em mới hoàn hồn. Hai vợ chồng đứng dậy khỏi đống đổ nát thì cuống cuồng tìm con. May mà ông trời vẫn còn thương em nên cho con bé vẫn ngủ ngon lành trong đống chăn, khi bế nó ra nó mới khóc thét lên” – Thiên kể lại.

Cùng 1 tảng đá tách đôi nhưng gia đình bà Lê Thị Mận không được may mắn như mẹ con chị Trang. Tốc độ và sức công phá của tảng đá này lớn hơn hẳn, nhìn những vết trượt dài đằng sau vách núi cũng đủ biết tốc độ lăn của tảng đá vô cùng lớn. Bà Mận đã mất đi cậu con trai trong lúc đang ngủ.

Bà Mận bị thương ở cánh tay khi tìm cách cứu con.

“Cả xóm chỉ mỗi nó được đi làm nhà nước, hôm kia nó còn về khoe tháng lương tới sẽ mua cái tủ lạnh để đồ uống cho mát. Thế mà…” – Bà Mận nghẹn ngào khi nhắc đến con trai mình.

Tang thương xóm nghèo

Cách đường quốc lộ chừng vài chục mét nhưng cái xóm nhỏ nằm gọn dưới chân núi gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Khác hẳn với khung cảnh những ngôi nhà tầng san sát mọc lên cạnh quốc lộ 18, xóm này người dân còn gọi là xóm tổ ong vì cả xóm gần chục nóc nhà nhiều đời nay chỉ làm than tổ ong để bán.

Những ngôi nhà cấp 4 cũ nát được lợp bằng mái tôn, trước cửa nhà luôn hiện diện những đống than đen kịt. Con đường vào xóm cũng chuyển thành màu đen, những bức tường nhà cũng ám màu đen của than bùn dính vào sau mỗi trận mưa.

Xóm nghèo hơn chục nóc nhà nhiều đời làm nghề đóng than tổ ong.

Khi tai nạn xảy ra, cả xóm không biết phải báo cho ai hay phải gọi ai cứu trợ. Một người xe ôm tình cờ qua đường đã gọi cho 113 để báo sự việc. Sau 2 tiếng, các lực lượng chức năng đến mới tìm cách đưa nạn nhân C. bị kẹt dưới tảng đá ra ngoài và đưa chị Trang đi cấp cứu.

Cùng trong ngày, trao đổi với báo chí, đại diện UBND TP. Cẩm Phả cho biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, TP. Cẩm Phả đã tiến hành phong tỏa hiện trường, tổ chức kiểm tra toàn bộ hiện trạng ngọn núi trên. Trước mắt, thành phố đã yêu cầu 10 hộ dân sinh sống xung quanh ngọn núi tạm thời di dời khỏi nhà.

Nhưng 2 ngày sau vụ tai nạn, khi phóng viên Tiền Phong quay lại hiện trường, cả xóm tổ ong này chưa hề được di dời, ai vẫn ở nhà nấy và khi được hỏi phía chính quyền đã có biện pháp gì? Thì nhận được câu trả lời: “Không thấy có ai bảo phải di dời, nhưng chúng tôi làm gì còn chỗ nào khác để đi”.

Anh Thiên nhặt nhạnh những thứ còn dùng được trong ngôi nhà đổ nát.

Trong phương án giải quyết của thành phố còn nêu ra biện pháp phong tỏa hiện trường để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng theo người dân ở đây, họ phong tỏa bằng cách lấy bạt che 2 tảng đá lại rồi ai về nhà nấy.

Theo ý kiến chủ quan của nhiều người, tai nạn xảy ra là do nhiều ngày qua trên địa bàn có mưa nên đã xảy ra tình trạng sạt núi. Nhưng theo những người dân sống tại đây, đấy chỉ là 1 lý do cuối cùng để dẫn đến việc đá rơi. Nguyên nhân sâu xa là do gần đấy có doanh nghiệp đang tiến hành khai thác đá nhiều năm nay. Việc nổ mìn đã làm ảnh hưởng đến kết cấu của núi nên mới xảy ra tai nạn trên.