> Mất cơ hội giảm giá xăng dầu do Bộ Tài chính?
Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo ông Long, vấn đề chính và mấu chốt của thị trường xăng dầu thời gian qua gây nhiều hiểu nhầm cho người tiêu dùng như giá tăng nhanh giảm chậm, việc điều hành không rõ ràng đều xuất phát từ vấn đề cơ chế quản lý của cơ quan nhà nước. Việc xác định giá thành gốc của từng doanh nghiệp, cơ cấu chi phí và việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp cũng là vấn đề cần được làm rõ.
Về nguyên tắc, nếu muốn thị trường không xảy ra những vấn đề trên thì nhà nước phải có cơ chế chính sách rõ ràng. Xác định là để thị trường xăng dầu độc quyền theo chỉ đạo của Nhà nước hay vận hành đúng theo cơ chế của Nghị định 84, phải rõ.
Hiện nay, nói thị trường xăng dầu độc quyền cũng đúng, do Petrolimex chiếm tới hơn 60% thị phần, các doanh nghiệp đầu mối khác cũng của Nhà nước. Hơn nữa doanh nghiệp không được chủ động trong giá bán, mỗi khi tăng giảm phải xin phép. Vì vậy, cũng có chuyện khi giá lên thì đồng loạt các doanh nghiệp có mức đề xuất tăng giá tương đương nhau. Còn khi giá xuống thì lại không rõ ràng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể vin vào việc tồn kho cao, xăng nhập về tại thời điểm giá thế giới cao chưa bán hết hoặc phải bù lại số lỗ trong quá trình giữ giá để từ chối trách nhiệm.
Không loại trừ doanh nghiệp “bắt tay” đại lý
Việc doanh nghiệp kêu bị đại lý ép phải tăng chiết khấu, trao đổi với phóng viên ngày 2-8, đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định việc quản lý chiết khấu là trách nhiệm của Bộ Công Thương trong khi đại diện Bộ Công Thương thì khẳng định mức chiết khấu là do doanh nghiệp xác định, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp được. Ông Thỏa cũng cho biết, Bộ Tài chính không có văn bản hướng dẫn xử lý lỗ gửi doanh nghiệp như phản ánh.
Ông Long cũng cho rằng, quản lý chiết khấu của doanh nghiệp là việc khó. Phải làm rõ chuyện có hay không doanh nghiệp cố tình nâng chiết khấu cho đại lý rồi cứ thế kêu lỗ. Không loại trừ doanh nghiệp nâng chiết khấu rồi sau đó lại được đại lý chuyển lại một phần tiền từ việc chiết khấu này.
Như thế, doanh nghiệp vẫn tính được chiết khấu vào chi phí kinh doanh của mình còn người dân thì bị thiệt do phải gánh thêm phần chiết khấu của doanh nghiệp do giá xăng không giảm.
“Còn nếu doanh nghiệp thực sự muốn giảm giá bán xăng dầu vào thời điểm đó thì hoàn toàn có thể chủ động xin giảm giá bán. Cơ chế vẫn cho họ làm điều đó cơ mà, sao phải lấy lý do lúng túng nên không giảm giá. Việc xin xử lý lỗ là chuyện khác. Các cơ quan quản lý phải có biện pháp quản lý hữu hiệu, tránh việc điều hành bị tác động của lợi ích nhóm”- ông Long nói.
Bạn đọc nói gì?
Chỉ người tiêu dùng thiệt. Vì là ai đi chăng nữa thì đó cũng là dịp may để kiếm lợi nhuận trong kinh doanh. Hãy trách các cơ quan nhà nước chưa làm hết trách nhiệm. Nói chung các doanh nghiệp xăng dầu không mất gì. Chỉ có người tiêu dùng là bị thiệt.
Lỗ giả lãi thật? Tại sao nhà nước cứ phải chạy theo lỗ lãi của doanh nghiệp mà không quan tâm đến khả năng của người dân với thu nhập hiện tại của họ? Doanh nghiệp lỗ lãi là do cách điều hành, kinh doanh của mình. Nếu doanh nghiệp nào không có lãi thì cho họ nghỉ. Dù kêu lỗ nhưng từ trước đến nay đã có doanh nghệp kinh doanh xăng dầu nào nghỉ hẳn chưa?