Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng. Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố vào cuộc khẩn cấp.
Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt nghiêm, thậm chí áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị thu hồi giấy phép.
Bộ trưởng Công Thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường xử lý các vụ việc liên quan đến Giấy phép xăng dầu của Bộ Công Thương cấp theo thẩm quyền.
Về việc Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp khó khăn, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã họp và đưa ra một số quyết sách về tháo gỡ tài chính để nhà máy được tiếp tục hoạt động thời gian tới.
Ông Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu Lọc dầu Nghi Sơn có trách nhiệm cung cấp đủ theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thị phần lớn như Petrolimex, PVOil... chủ động tìm nguồn cung, để đảm bảo an ninh năng lượng, tránh đứt đoạn cung ứng xăng dầu
Đại diện PVN cũng cho biết đã đàm phán và đạt được thoả thuận với các đối tác nước ngoài tại Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn. Các bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc nhà máy này do PVN đề xuất và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn cơ chế RPA. Ngoài ra, PVN đồng ý thanh toán sớm (Early Payment) hợp đồng FPOA để giúp nhà máy cải thiện dòng tiền, tiếp tục sản xuất trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc. Điều này đồng nghĩa Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ được cấp tiền để tiếp tục hoạt động thời gian tới.
Nhà máy Nghi Sơn do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Theo thoả thuận với nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm.
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. Theo tính toán trước đây, PVN có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỷ USD cho Nghi Sơn.