'Loạn' phí giao thông, vì sao?
Phí giao thông hiện nay được thu dựa trên cơ sở của pháp lệnh phí và lệ phí. Tuy nhiên, do địa phương nào cũng có thể đặt ra các loại phí, dẫn tới tình trạng người dân phải đóng quá nhiều, thậm chí có tình trạng phí chồng lên phí.
Loạt bài dưới đây sẽ ghi nhận lại thực trạng “loạn” phí giao thông, ý kiến của người dân, chuyên gia và những người có chức trách... nhằm tìm kiếm những giải pháp thích hợp.
Kỳ 1: Thêm phí, thêm gánh nặng
Ngày 1-6 tới đây, phí bảo trì đường bộ sẽ bắt đầu thu. Hiện Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đang nghiên cứu để thống nhất đưa ra mức phí cụ thể nộp vào quỹ bảo trì đường bộ cho từng loại ôtô và xe máy.
Đây là loại phí chồng lên phí giao thông đường bộ. Trước đó còn có một loại là phí xăng dầu nhưng nay đã được đổi tên là thuế môi trường. Đó là chưa kể hai loại phí mà Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất là phí lưu hành phương tiện cá nhân (tại năm TP: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và phí lưu thông ôtô trong đô thị giờ cao điểm.
Ngoài ra, xe tải còn có lệ phí ra vào cảng. để một chiếc xe được lưu hành trên đường, chủ xe còn phải đóng lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển số xe, phí bảo hiểm. Với ôtô, xe tải còn thêm phí kiểm định. Như vậy, nếu hai loại phí đề xuất nói trên được duyệt, tổng cộng một xe máy sẽ chịu năm loại phí, ôtô và xe tải sẽ chịu chín loại phí.
Một số mức phí
* Phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước:
- Xe khách các loại: từ 4.000-15.000 đồng/lượt.
- Xe tải: từ 15.000-80.000 đồng/lượt.
* Phí đường bộ đầu tư bằng vốn BOT:
Thu phí bằng 1,5 lần mức thu trên.
* Phí xăng dầu: 1.000 đồng/lít xăng:
Kể từ 1-1-2012, chuyển thành thuế môi trường. Ngoài ra khi sử dụng xăng, người tiêu dùng còn phải đóng các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, quỹ bình ổn xăng dầu...
* Phí bảo trì đường bộ (dự kiến):
- Xe máy: 80.000-150.000 đồng/năm.
- Ôtô, xe tải: 180.000-1,44 triệu đồng/tháng.
* Phí lưu hành phương tiện cá nhân:
Tại năm TP: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (dự kiến):
- Xe máy: 500.000-1 triệu đồng/năm.
- Ôtô: 20-50 triệu đồng/năm.
* Phí lưu thông ôtô trong đô thị giờ cao điểm (dự kiến):
Buổi sáng từ 6g-8g30, buổi chiều từ 16g-19g hằng ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Thu qua các trạm thu phí ôtô và chỉ thu chiều vào 30.000- 50.000 đồng/lượt.
Với loại phí giao thông đường bộ, người đi xe sẽ phải trả tiền khi qua các trạm thu phí giao thông được đặt dày đặc trên đường, nhất là quốc lộ. Hiện tại trạm thu phí đã bủa vây TP.HCM và Hà Nội. Tại khu vực miền Trung cũng trong tình trạng tương tự.
* TP.HCM là địa phương có số lượng trạm thu phí giao thông nhiều nhất nước. Các cửa ngõ về các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung và miền Bắc đều bị vây kín bởi các trạm thu phí (xem bảng).
* Hà Nội:
1. Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài: trạm này có thêm các trạm phụ chống thất thu ở khu vực huyện Đông Anh.
2. Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (quốc lộ 1, huyện Phú Xuyên).
3. Trạm thu phí số 2 quốc lộ 1 (cầu Phù Đổng).
4.Trạm thu phí số 1 quốc lộ 2 (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn).
* Khu vực miền Trung:
- Trạm thu phí Núi Thành, Quảng Nam.
- Hai trạm thu phí Hòa Phước và Nam Hải Vân, TP Đà Nẵng.
- Hai trạm thu phí Bắc Hải Vân và Phú Bài, Thừa Thiên - Huế.
- Trạm thu phí Quảng Trị.
stt
Tên trạm
Ðường, cầu cần hoàn vốn
Năm kết thúc thu
1
An Lạc
Ðường Kinh Dương Vương
2013
2
Xa lộ Hà Nội
Ðường Ðiện Biên Phủ
2013
3
đường Nguyễn Văn Linh
2030
4
An Sương - An Lạc
Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc
2033
5
Cầu Phú Mỹ
2036
6
Cầu Bình Triệu 2
Chưa xác định
7
Ðường cao tốc
TP.HCM - Trung Lương
2037
Các trạm sắp thu phí
8
Ðường hầm vượt sông
Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm)
Ðại lộ Ðông - Tây
Chưa xác định
9
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành -
Dầu Giây
Không thời hạn
Xa lộ Hà Nội (hiện hữu)
Xa lộ Hà Nội và cầu Rạch Chiếc
Dự kiến 2052
Phí quá nhiều rồi!
Luật sư Thái Văn Chung - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết có thêm loại phí bảo trì đường bộ (BTĐB) khiến các doanh nghiệp vận tải phải “gánh nặng” lên đến chín loại phí. Trong đó có phí giao thông cầu đường và phí BTĐB có cùng mục đích thu cho cầu đường khiến doanh nghiệp vận tải gánh chịu “phí chồng phí”.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải có chủ trương sau khi chính thức áp dụng phí BTĐB thì sẽ hủy bỏ các trạm thu phí của Nhà nước trên các quốc lộ. Thế nhưng, mới đây Bộ Giao thông vận tải lại đề xuất tổ chức các trạm trên quốc lộ 1 nhằm thu phí cho dự án mở rộng quốc lộ 1.
Như vậy các doanh nghiệp sẽ không chỉ chịu áp lực của chín loại phí mà sắp tới sẽ chịu thêm một số loại phí mới. Với tình hình nhiều loại phí mới ra đời, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa để bù đắp các chi phí.
Mới đây ngày 9-3, trong cuộc hội thảo tổng kết năm năm VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khi đề cập năng lực cạnh tranh ở VN so với các nước, ông Lương Văn Tự - nguyên trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của VN - đã nêu hàng loạt khó khăn như chi phí vận tải tại VN chiếm tới trên 25% GDP, trong khi Thái Lan chỉ 20%...
Dẫn lời phát biểu trên của ông Lương Văn Tự, luật sư Thái Văn Chung cho rằng điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của VN yếu hơn các nước lân cận. Do đó, Nhà nước cần xem xét giảm các loại phí để các doanh nghiệp vận tải và sản xuất trong nước có điều kiện phát triển và cạnh tranh hàng hóa với các nước.
Hiện nay tình hình kinh tế đang khó khăn, đời sống người dân cũng chịu cảnh tương tự thì Nhà nước không nên ban hành thêm một loại phí mới.
Ông Nguyễn Văn Dũng - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải và dịch vụ du lịch Sài Gòn, đơn vị vận tải xe đò từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc - bức xúc nói: “Xe đò vừa điêu đứng với giá xăng dầu tăng, nay lại có thêm phí BTĐB có mức thu quá cao nên các chủ xe buộc phải xem xét điều chỉnh giá vé xe đò để bù đắp chi phí”.
Nhiều chủ xe trong hợp tác xã cho biết việc thu phí BTĐB đang là một gánh nặng thật sự vì trong hoạt động kinh doanh vận tải, không phải lúc nào xe cũng lăn bánh, có những xe được đưa vào sửa chữa trong một thời gian dài mà vẫn phải nộp phí BTĐB là bất hợp lý.
Theo các doanh nghiệp vận tải, hiện nay giá vé xe đò đang ở mức cao so với thu nhập người dân. “Việc Nhà nước đưa thêm các loại phí cuối cùng hành khách phải gánh chịu. Việc thu phí BTĐB sẽ đẩy giá cước vận tải hàng hóa và hành khách tăng cao, đi ngược lại chủ trương Nhà nước chống lạm phát và bình ổn giá cả hàng hóa” - ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Theo Tuổi Trẻ