Bộ Công Thương vừa hoàn tất dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với nhiều điểm mở, để các doanh nghiệp (DN) tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam.
Đáng chú ý, dự thảo có thêm quy định cho phép “thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%”.
Góp ý cho dự thảo, Bộ Công an cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng nên khi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia cần đánh giá kỹ tác động của chủ trương mở cửa thị trường, các quy định pháp luật liên quan, vấn đề về chi phối việc kinh doanh xăng dầu trong nước của nhà đầu tư nước ngoài… Vì vậy, chưa cần thiết bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng 35% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào Dự thảo Nghị định sửa đổi.
Về đề xuất mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, Bộ Công an cũng nhấn mạnh, hiện đã có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Nhiều nước công nghiệp phát triển có số lượng doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ít hơn rất nhiều.
Cụ thể, Hàn Quốc chỉ có 5 doanh nghiệp; Trung Quốc 5 doanh nghiệp; Nhật Bản 4 doanh nghiệp hay như Singapore 5 doanh nghiệp… Vì vậy, để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” về đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, dự thảo nên quy định theo hướng chỉ cấp phép cho doanh nghiệp, không cấp cho cá nhân kinh doanh độc lập.
Về việc cho phép chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, nội dung mở cửa cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam có thể dẫn đến việc, khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ được 35% cổ phần sẽ có thể liên kết với cổ đông khác thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước.
Cũng theo ông An, Khoản 19 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi có nhiều bất cập. Cụ thể, dự thảo đưa ra phương án giảm số ngày dự trữ xăng dầu của thương nhân đầu mối từ 30 ngày xuống còn 20 ngày cung ứng; bổ sung yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 5 ngày cung ứng; bổ sung yêu cầu thương nhân sản xuất xăng dầu dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 15 ngày sản xuất đối với dầu thô và 5 ngày sản xuất đối với xăng dầu.
Về những ý kiến của các đơn vị, Bộ Công Thương cho rằng, hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong nội dung sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã rà soát và quy định cụ thể về vấn đề này theo hướng cho phép các DN kinh doanh xăng dầu trong nước được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%. Quy định khống chế này cũng nhằm bảo đảm nhà đầu tư nước ngoài không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động của DN theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, sau 13 năm gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như điện lực, dầu khí, ngân hàng, hàng không,...
Thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước trọng yếu trong lĩnh vực này đều đã được cổ phần hoá như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL); Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR),… và đều được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài với các tỷ lệ khác nhau tuỳ thuộc vào đề nghị của từng doanh nghiệp như Petrolimex 20%; PVOIL 35%; BSR 49%...
“Việc quy định giới hạn chuyển nhượng cổ phần ở mức 35% vừa giải quyết được vấn đề thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp”, Bộ Công Thương nêu ý kiến.
Ðề xuất không cấp phép cho thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ
Một quy định sửa đổi đáng lưu ý khác của dự thảo là bổ sung loại hình phương tiện bán xăng dầu quy mô nhỏ cho các DN đầu tư nhưng không giới hạn phạm vi, số lượng phương tiện, không quy định khoảng cách an toàn đến khu vực xung quanh, chưa quy định về trang bị chữa cháy…, Bộ Công an cho rằng, phương tiện bán xăng dầu quy mô nhỏ dễ bị các phần tử xấu tấn công khủng bố, nhất là tại các mục tiêu bảo vệ hoặc địa điểm nhạy cảm chính trị.
Cũng liên quan đến việc quản lý thị trường xăng dầu, Bộ Công an cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý về số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ còn nhiều bất cập, sơ hở.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, thừa nhận, trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng, dầu, hiện đang có bất cập nên mới xảy ra tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ.