Lỗ tiềm ẩn từ kinh doanh vàng

Giá vàng chỉ tăng không giảm trong một thời gian dài, kinh doanh vàng có vẻ như là "mỏ lợi nhuận" đối với các ngân hàng (NH). Thực tế không hẳn vậy.

Lỗ tiềm ẩn từ kinh doanh vàng

> Giá vàng tuột mốc 47 triệu đồng/lượng

Giá vàng chỉ tăng không giảm trong một thời gian dài, kinh doanh vàng có vẻ như là "mỏ lợi nhuận" đối với các ngân hàng (NH). Thực tế không hẳn vậy.

Kinh doanh vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá biến động khó lường. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Những khoản phải thu rất lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng; những tài sản đảm bảo đầy rủi ro; các khách hàng bí ẩn của những hợp đồng vàng kỳ hạn có giá trị cực lớn... Tất cả những yếu tố này đang đẩy không ít NH tới nguy cơ khó thu hồi vốn khi giá vàng lội ngược dòng.

Rủi ro từ hợp đồng kỳ hạn

Các NH đang "một tay" gom vàng để bù cho khoản người dân rút ra chốt lời khi giá vàng tăng cao, "một tay" gom vàng để bù cho các hợp đồng bị khách hàng bỏ chạy do thua lỗ. Đó là lý do, thị trường cứ trong tình trạng cầu lớn hơn cung, đẩy giá lên cao, theo một chuyên gia vàng.

Chỉ tăng không giảm trong một thời gian dài, ai cũng ngỡ hoạt động kinh doanh vàng là "mỏ lợi nhuận" đối với NH, đặc biệt là nhóm G5, nhóm được phép mua bán vàng tài khoản. Tuy nhiên, khoản phải thu rất lớn từ hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt từ các giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn trong báo cáo tài chính của nhiều NH đã hé lộ bức tranh đầy rủi ro từ lĩnh vực này.

Rủi ro đầu tiên là nguy cơ khách hàng vì lỗ nặng, không còn đủ năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng nên "buông" luôn. Nên nhớ, các hợp đồng này được thực hiện khi khách hàng dự báo giá vàng giảm, họ ký hợp đồng bán vàng cho NH với mức giá cố định tại thời điểm ký. Nếu vàng giảm đúng như dự báo, họ sẽ mua vàng trả lại NH và thu lời từ chênh lệch giá. Ngược lại, nếu giá vàng tăng, khách hàng sẽ lỗ. Vàng tăng càng nhiều, khoản lỗ càng lớn.

Ví dụ, khách hàng ký hợp đồng bán 100 lượng vàng cho NH với giá 35 triệu đồng/lượng trong vòng 6 tháng. Họ ký quỹ 10% trên tổng giá trị hợp đồng. Nếu hết 6 tháng, giá vàng tăng lên 40 triệu đồng/lượng, khách hàng lỗ 5 triệu đồng/lượng. Theo hợp đồng, họ sẽ phải mua lại 100 lượng vàng trả lại cho NH nhưng do lỗ quá nặng, họ không thể thực hiện hợp đồng mà chỉ đóng thêm tiền ký quỹ đã bị hụt do vàng tăng giá, còn trên báo cáo tài chính của NH, khoản này được "treo" vào "phải thu". Nhưng như nói trên, vì lỗ nặng nên thu được không đơn giản. Đó là rủi ro mất vốn đầu tiên của NH. Đáng nói là khoản này ở nhiều NH rất lớn.

Đơn cử như tại một NH thương mại lớn, riêng khoản phải thu từ ký quỹ của giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn đã lên tới gần 24.000 tỉ đồng. Số tiền này gần 8 lần vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng theo quy định của NHNN đối với các NH thương mại, gấp đôi vốn điều lệ của những NH lớn nhất VN.

Rủi ro thứ hai đến từ tài sản đảm bảo của các hợp đồng vàng kỳ hạn. Báo cáo tài chính của một số NH cho thấy tài sản đảm bảo gồm tiền gửi, cổ phiếu, chứng thư bảo lãnh, các khoản đảm bảo khác... Cũng như trong vấn đề nợ xấu, NH luôn biện minh rằng tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn khoản vay. Nhưng trong trường hợp khách hàng lỗ, bỏ hợp đồng "chạy" lấy người thì liệu các NH có thể bán cổ phiếu để thu hồi vốn? Phải khẳng định là rất khó. Với tình trạng mất thanh khoản của thị trường chứng khoán hiện nay, bán được cổ phiếu, nhất là với số lượng lớn, còn khó hơn lên trời. Ngay cả nếu bán được đi chăng nữa thì giá trị thu vào khó bù đắp nổi thiệt hại từ các hợp đồng này.

Rủi ro thứ ba đến từ sự thiếu rõ ràng trong các báo cáo tài chính. Hầu hết các NH đều không thuyết minh rõ ràng những giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trên báo cáo tài chính. Những khoản "phải thu khác", "tài sản đảm bảo khác"... có giá trị lớn như lại bị ẩn đi. Tại sao phải ẩn đi, cần được trả lời để làm rõ sức khỏe thực sự của các NH.

Khách hàng bí ẩn ?

Từ tài sản đảm bảo của các hợp đồng vàng kỳ hạn đang đặt ra câu hỏi, đối tượng khách hàng nào được thực hiện các hợp đồng nói trên? Khách hàng nào mới có đủ uy tín, quyền lực để mang cổ phiếu vừa sụt giảm, vừa khó bán để NH chấp nhận làm tài sản bảo đảm cho những hợp đồng vàng kỳ hạn nói trên? Khách hàng nào có thể có được chứng thư bảo lãnh từ một NH khác? Chỉ có thể là các cổ đông lớn, những "sân sau", những mối quan hệ thân hữu đến từ thực trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH hiện nay.

Bởi nếu đóng vai một nhà đầu tư bình thường, muốn thực hiện một hợp đồng kỳ hạn vàng như nói trên với NH, nhất là các NH lớn là cực kỳ khó. Những cá nhân bình thường chỉ có thể giao dịch sòng phẳng. Tài sản thế chấp, phải là bất động sản và được định giá rất thấp so với giá trị thực. Bất kỳ người dân, doanh nghiệp bình thường nào đã từng vay tiền ở NH đều biết rất rõ điều này. Đó là lý do đề án mua nợ xấu của NH bị phản đối bởi nghi án nợ xấu này là của các sân sau trong NH.

Lợi nhuận lớn thì rủi ro cao. Nguyên lý thị trường này không loại trừ bất cứ lĩnh vực nào và càng đúng hơn đối với vàng khi giá cả biến động mỗi ngày. Hoạt động kinh doanh vàng đã từng là trái ngọt với các NH trong một thời gian dài, đặc biệt là các NH trong nhóm G5 khi được tạo lợi thế riêng. Nhưng giờ đây, họ đang đối mặt với rủi ro khi giá vàng bất ngờ lội ngược dòng, tăng mạnh ngoài dự báo. Rủi ro lớn hơn đến từ chính chủ quan của nhiều NH khi thực hiện các hợp đồng vàng kỳ hạn còn nhiều điều thiếu minh bạch. Tất nhiên, chưa tất toán hợp đồng, chưa đóng vị thế thì các khoản lỗ chưa hiện hình thành các con số cụ thể. Nhưng những nguy cơ này, cơ quan quản lý cần phải thấy được để có giải pháp ứng phó kịp thời. Quan trọng hơn là siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho hệ thống NH.

Theo Nguyên Khanh
Thanh Niên

Theo Đăng lại