Số lượng vàng được mua này giảm 58% so với tháng 1, vì một số ngân hàng trung ương cũng bán vàng ra nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Krishan Gopaul, nhà phân tích thị trường cấp cao tại WGC, cho rằng nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn cao trong những tháng đầu năm nay.
“Các ngân hàng trung ương báo cáo mua thêm 64 tấn trong tháng 1 và 2, thấp hơn 43% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Dù lượng mua của các ngân hàng trung ương trong tháng 1 thấp hơn, nhưng năm nay đã có một khởi đầu cao và xu hướng mua vàng vẫn không ảnh hưởng”, ông Gopaul nhận định.
WGC lưu ý rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tiếp tục thống trị thị trường vàng, mua vào 12 tấn kim loại quý này trong tháng 2. “Tính cả tháng 2, lượng vàng dự trữ của PBoC đã tăng 16 tháng liên tiếp, dù vàng trong tổng lượng tài sản dự trữ của Trung Quốc vẫn ở mức khoảng 4%”, ông Gopaul cho biết.
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng để đa dạng hóa tài sản và giảm lượng đô la Mỹ nắm giữ. Dù lượng mua của PBoC rất được quan tâm, nhưng WGC cũng nhấn mạnh những xu hướng quan trọng khác.
Ngân hàng Trung ương Séc cũng mua thêm 2 tấn vàng dự trữ trong tháng 2, tiếp tục chuỗi 12 tháng mua vào liên tiếp. “Trong giai đoạn đó, Séc mua tổng cộng gần 22 tấn vàng, nâng tổng lượng vàng dự trữ của họ lên 34 tấn, tăng 183% so với cuối tháng 2/2023”, ông Gopaul cho biết. Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore mua 2 tấn vàng trong tháng 2, khiến lượng dự trữ của đảo quốc sư tử tăng lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái.
Một khách hàng gây chú ý khác là Ngân hàng Trung ương Kazakhstan - mua thêm 6 tấn vàng trong tháng 2. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng mua thêm 6 tấn vàng trong thời gian này.
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Trung ương Uzbekistan bán 12 tấn vàng trong tháng 2, còn Ngân hàng Trung ương Jordan bán ra 4 tấn.