Trong họp báo diễn ra tại Hà Nội ngày 10-7, đại diện Công ty cổ phần đấu giá số 5-Quốc gia, ông Quản Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, được sự cho phép của UBND TP Hà Nội, trong phiên đấu giá lần đầu tiên được tổ chức công khai diễn ra ngày 19-8 tới, Công ty đưa ra 5 tác phẩm/tài sản bán đấu giá, gồm: Bình đồng văn hóa Đông Sơn (niên đại cách nay gần 2.000 năm, cao toàn bộ 53,3cm, giá khởi điểm là 995.450.000 đồng); thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13-14, cao toàn bộ 39,9cm, giá 740.800.000đ); hộp pháp lam hoàng cung triều Nguyễn (thế kỷ 19, đường kính 36,5cm, 532.450.000 đồng); 5 pho tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được các nghệ nhân đúc vàng làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ chế tác, dát vàng 9999 và bộ trang sức nghệ thuật gắn 2 viên đá ruby sao Việt Nam.
Theo đánh giá của PGS, TS Bùi Văn Liên, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, bình đồng văn hóa Đông Sơn là một cổ vật thuộc dạng quý hiếm và rất nguyên vẹn, có thể khối vào loại lớn nhất trong số các đồ đồng cùng loại thuộc văn hóa Đông Sơn, chưa thấy xuất hiện trong các bảo tàng và sưu tập cá nhân, xứng đáng được lưu giữ, bảo quản và thưởng lãm.
Ba cổ vật kể trên đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giám định, thuộc sở hữu của nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Bá Thanh Long (Hải Phòng).
Cũng theo ông Quản Văn Minh, ba tác phẩm/tài sản cổ vật đều thuộc sở hữu tư nhân, do họ tự định giá. Toàn bộ các cổ vật đã được giám định niên đại, giá trị, đăng ký bản quyền, có hồ sơ đảm bảo tính pháp lý.
Do đó, các cổ vật này được đấu giá công khai, người nước ngoài cũng có thể được tham gia, theo Luật Đấu giá tài sản 2016 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-7-2017).
Ông Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hội đá quý Việt Nam, Tiến sĩ địa chất học cho biết, việc kinh doanh, giao dịch đá quý đã diễn ra tại Việt Nam nhiều năm nay, tuy nhiên đây là lần đầu tiên có sàn đấu giá trực tiếp, dưới sự giám sát của cơ quan luật pháp.
Từ năm 1994, đá quý của Việt Nam đã có phiên đấu giá quốc tế đầu tiên tại Hồng Kông (Trung Quốc) với viên đá ruby 56 carat bán với giá 562.000 USD. Như thế để khẳng định Việt Nam có nguồn tài nguyên rất có giá trị.
Việc đưa cổ vật và các hiện vật có giá trị lên sàn đấu giá công khai sẽ góp phần khẳng định giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, hơn nữa sẽ tạo nên môi trường định giá, giao dịch lành mạnh; quảng bá tài năng nghệ nhân, thợ chế tác các làng nghề truyền thống.