Theo Tass, danh sách nghi phạm vừa được JIT công bố bao gồm ba công dân Nga là Igor Girkin, Sergey Dubinskiy, Oleg Pulatov và một người Ukraine là Leonid Kharchenko.
JIT cho biết Igor Girkin (còn được gọi là Strelkov) là chỉ huy hàng đầu của lực lượng ly khai tại đông Ukraine.
Trong một tuyên bố, Girkin khẳng định: "Tôi chỉ có thể nói rằng lực lượng li khai không bắn hạ MH17".
Sergei Dubinsky (hay Khmury), người mà các công tố viên cho là có mối liên hệ với cơ quan tình báo quân sự GRU, là cấp phó của Girkin.
Oleg Pulatov, được biết đến với tên Giurza, được cho là lãnh đạo cơ quan tình báo ở Donetsk.
Người mang quốc tịch Ukraine Leonid Kharchenko được xác định là không liên quan đến giới quân sự, nhưng đã lãnh đạo một đơn vị chiến đấu ở miền đông Ukraine, theo các công tố viên.
"Các nghi phạm đã đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra cái chết của 298 thường dân vô tội", công tố viên trưởng Hà Lan Fred Westerbeke nói.
Phiên tòa xét xử 4 nghi phạm dự kiến sẽ mở vào ngày 9/3/2020, và các nghi phạm sẽ bị buộc tội giết người.
Phía Nga trước đó luôn bác bỏ các báo cáo của JIT, cho rằng nhóm điều tra "thiên vị và có động cơ chính trị."
Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines khi đang đi từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã bất ngờ bị bắn hạ tại Donetsk, phía đông Ukraine.
Vụ tai nạn khiến tất cả 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Xác máy bay MH17. Ảnh: Reuters
Một đội điều tra chung gồm các đại diện từ Úc, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine, đã được thành lập để điều tra thảm kịch này.
Trước đó, bất chấp tình trạng xung đột vũ trang căng thẳng trên mặt đất, Kiev đã không đóng cửa không phận trên khu vực Donbass đối với các chuyến bay chở khách quốc tế.
Tháng 10/2015, Ủy ban An toàn Hà Lan kết luận máy bay MH17 bị tên lửa Buk tấn công, và nổ tung giữa không trung.
Đến tháng 5/2018, Úc và Hà Lan cho biết sẽ tìm cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn với lý do: hệ thống tên lửa được sử dụng để bắn rơi MH17 có thể đã được chuyển từ Nga và là một phần của lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của Nga gần Kursk.
Moscow bác bỏ các cáo buộc của JIT, đồng thời khẳng định chưa có hệ thống tên lửa nào của quân đội Nga từng được đưa đến Ukraine.
Đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã xác định được tên lửa bắn rơi chiếc Boeing 777, và xác nhận rằng vũ khí này được chuyển cho quân đội Ukraine hồi năm 1986, sau đó chưa bao giờ quay trở lại Nga.