Ðứng trước ống kính, bán hàng khắp thế giới
Chị Ngô Thùy D là một streamer trú tại phường Mạo Khê (thị xã Ðông Triều, Quảng Ninh) có doanh số cao trong lĩnh vực mỹ phẩm. Sau khi tốt nghiệp đại học, do yêu thích kinh doanh nên D mở một cửa hàng bán quần áo. Tuy nhiên, suốt hơn chục năm chỉ thu nhập vài triệu/tháng, cuối năm 2016, chị mới tiếp cận với livestream sau một lần đi chơi TPHCM và được thử nghiệm bán quần áo bằng hình thức này.
Về lại Quảng Ninh, ngay lần đầu livestream bán quần áo, chị đã thu được kết quả bất ngờ. Lợi nhuận tăng cao, chị quyết định bán thêm mỹ phẩm. Khách từ khắp nơi, mọi lứa tuổi tìm đến, gia đình chị quyết định cho thuê cửa hàng. Chồng chị (cán bộ ngành than) cũng nghỉ việc để giúp vợ livestream tại nhà. Ðơn hàng tăng vùn vụt, chị phải lập công ty, thuê nhân viên đóng gói, vận chuyển hàng. “Doanh số bán hàng trung bình 1,5 tỷ đồng/tháng, thu lời hơn 200 triệu đồng/tháng”, chị D. tiết lộ.
“Long Ðá Quý” cũng là một cái tên đình đám trong giới bán đá quý, đồ trang sức qua mạng tại Hà Nội. Livestream của chàng trai quê xứ Nghệ điển trai, nói chuyện có duyên này có lúc lên đến 300 nghìn lượt xem. Có buổi livestream, Long chốt được đơn hàng đến 150 triệu đồng. Khách hàng của Long không chỉ trong nước mà còn ở các nước, nhiều nhất là cho cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc. Khác với chị D, vì bán mặt hàng đắt tiền, phải có độ tin cậy cao nên Long vẫn phải duy trì cửa hàng ở số 25 phố Ðình Thôn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, có đầy đủ đăng ký kinh doanh.
Thời điểm dễ cảm nhận sức nóng của livestream là sau bữa tối – khi khách hàng rảnh rỗi ghé vào các hội nhóm, fanpage trên facebook. Livesream giờ đây không còn là lợi thế của riêng các tiểu thương trẻ ở thành thị. Trên không gian mạng, không khó để gặp một chị nông dân ở Tây Nguyên đội chiếc nón rách tơi tả livestream bán hạt điều với hậu cảnh là một núi hạt điều lớn hoặc một chị ở miền núi phía Bắc vừa cho con bú, vừa bán đủ loại dao của người Mông. Có lẽ, độc đáo nhất là các anh chị bán cây cảnh, đồ gỗ mỹ nghệ bằng hình thức đấu giá trực tiếp trên mạng. Một cây hoa mẫu đơn, một bức tượng được trưng ra, người theo dõi liên tục bỏ giá, gay cấn đến từng giây hiện trên chiếc đồng hồ để cạnh sản phẩm.
Có lẽ, độc đáo nhất là các anh chị bán cây cảnh, đồ gỗ mỹ nghệ bằng hình thức đấu giá trực tiếp trên mạng. Một cây hoa mẫu đơn, một bức tượng được trưng ra, người theo dõi liên tục bỏ giá, gay cấn đến từng giây hiện trên chiếc đồng hồ để cạnh sản phẩm.
Kỹ nghệ livestream ngày càng sáng tạo
Chị D cho biết, để trở thành một streamer chuyên nghiệp, chị phải trang điểm, lựa chọn những trang phục đẹp mắt và tập lối nói chuyện hoạt ngôn, hài hước…Quan trọng hơn, theo chị D, cần xác định khách hàng mục tiêu là ai, bao nhiêu tuổi, sở thích,hành vi của họ là gì? Với “Long Ðá Quý” cũng vậy, mỗi lần “lên hình”, anh trau chuốt đầu tóc, quần áo óng chuốt và quan trọng nhất phải trưng diện những sản phẩm định bán và chuẩn bị một kịch bản bán hàng sôi động và có duyên. Theo Long, cái chính, vẫn phải thể hiện bằng được sự am hiểu, đam mê với sản phẩm mình bán ra và cam kết chất lượng sản phẩm (như khách nhận hàng không vừa lòng có thể trả lại, bảo hành sản phẩm dài hạn…). Thậm chí, phong cách bán hàng cũng được các streamer tạo ra bằng cách tặng khán giả vài bài hát, một tài lẻ hoặc tổ chức cho khách một trò chơi nào đó. Thậm chí, mới đây, nhân trời mưa, kho hàng bị ngập, một chủ hàng mỹ phẩm tại Hải Dương livestream luôn tại kho để “bán hàng giải cứu” với khung cảnh hết sức sinh động.
Hiện có rất nhiều trung tâm mở ra để đào tạo bán hàng bằng livestream. Diễn giả, nhà đào tạo Phạm Thành Long vẫn thường xuyên mở các lớp đào tạo kỹ năng livestream. Mỗi lớp có từ hàng trăm đến vài nghìn người. Anh Long cho hay, việc chụp hình sản phẩm bắt mắt với những dòng chữ chú thích rồi “quẳng” lên mạng đã không còn hiệu quả bằng livestream - cách bán hàng sự tương tác trực tiếp, độ tin cậy cao hơn. Tại các lớp học, anh dạy cho học viên từ kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ, trí tuệ nhân tạo có sẵn trên google, facebook… đến kỹ năng quay phim, chụp ảnh, trao đổi với khách hàng và cả cách tạo nên những mini game (trò chơi nhỏ) khi livestream.
Livestream tuy đem lại thu nhập “khủng” cho không ít người, nhưng việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, phi pháp không phải hiếm. Mới đây, hàng chục nghìn sản phẩm tiêu dùng nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, cùng dàn máy móc để livestream bị phát hiện trong kho hàng lậu có diện tích hơn 10.000 m2 tại TP Lào Cai. Cơ quan chức năng thông báo, có 30.000 đơn hàng bán ra mỗi tháng, thu lời bất chính khoảng 650 tỷ đồng.Thậm chí, để thu hút “thượng đế”, nhiều streamer nữ không ngại khoe da thịt; những nam bán hàng cũng cố tình khoe cơ thể, thậm chí thay quần áo ngay trước ống kính. Một số buổi bán hàng không thiếu những hành động sỗ sàng, chửi thề, gào thét... để câu view.
TS Phan Huy Hoàng, công tác tại ÐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, 10 năm trở lại đây, các “ông lớn” thống trị thương mại điện tử toàn cầu như Alibaba (Trung Quốc) hay Amazon và Wayfair (Mỹ) đã phát triển bán hàng bằng livestream. Tại Trung Quốc, nửa đầu năm nay có hơn 10 triệu buổi livestream. Theo TS. Hoàng, việc những người nổi tiếng, chủ các tập đoàn lớn trực tiếp bán hàng bằng livestream nở rộ trên thế giới trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Ðơn cử, ngày 16/8/2020, Lei Jun – nhà sáng lập, kiêm CEO của hãng Xiaomi (Trung quốc) livestream trong 2 giờ,có 50 triệu lượt xem, thu về khoảng 30 triệu USD từ việc bán tivi, điện thoại thông minh, bút bi, cân điện tử... Trong khi đó, tại Việt Nam, việc người nổi tiếng, những chủ doanh nghiệp lớn đứng ra bán hàng như vậy chưa nhiều. Mới đây, chỉ mới ghi nhận vợ chồng MC Trấn Thành – Hariwon đã “lên sóng” livestream bán hàng kèm ký tặng ảnh chân dung có chữ ký thu hút nhiều người xem, mua hàng.