Liệu pháp huyết tương có thể giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19

TPO - Từ khi được thử nghiệm lâm sàng, liệu pháp huyết tương đã làm giảm một nửa số ca tử vong trong một bệnh viện ở thành phố Delhi, nơi vừa vượt qua Mumbai để trở thành tâm dịch COVID-19 của Ấn Độ.
Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal (giữa, giơ tay) nói chuyện với nhân viên y tế Bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash Narayan ngày 25/6. Ảnh: Hindustan Times.

Liệu pháp đang được thử nghiệm này sử dụng kháng thể từ huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh để giúp tăng cường hệ miễn dịch của những người nhiễm SARS-Cov-2, CNN dẫn lời Thủ hiến Delhi, ông Arvind Kejriwal, trong một buổi họp báo hôm 26/6. “Hy vọng rằng, với liệu pháp huyết tương, chúng ta có thể giảm số ca tử vong do coronavirus gây ra”, ông nói. Dù liệu pháp mới này không thực sự có hiệu quả với những người bệnh nặng, nhưng nó ngăn những ca bệnh nhẹ hơn diễn biến xấu đi.

Ông Kejriwal cho biết, Delhi đã cung cấp máy đo oxy cho hầu hết bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại nhà. Máy này đo độ oxy bão hòa trong hồng cầu. “Đối với nhiều ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, triệu chứng bệnh COVID-19 không xuất hiện, nhưng lượng oxy trong máu giảm mạnh và điều này dẫn tới tử vong. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng, có thể cứu mạng người nếu bệnh nhân liên tục theo dõi lượng oxy trong máu họ”, ông Kejriwal nói.

Ngày 26/6, Delhi trở thành thành phố bị COVID-19 tấn công mạnh nhất ở Ấn Độ với số người mắc bệnh tăng mạnh. Giới chức Delhi đã tăng số giường bệnh trong phòng chăm sóc tích cực và sử dụng các phòng tiệc và khách sạn làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19, Thủ hiến Kejriwal cho biết. Giới chức thành phố cũng quyết định tăng số ca được xét nghiệm SARS-Cov-2 lên 18.000 người/ngày.

Tính đến chiều tối 26/6, Delhi có 73.780 trường hợp mắc COVID-19, bao gồm 2.429 ca tử vong và 44.765 người đã hồi phục, theo Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ. Trong khi đó, cả nước Ấn Độ có 490.401 bệnh nhân COVID-19, bao gồm 15.301 ca tử vong, đứng thứ 4 về số người mắc bệnh, sau Mỹ (2,42 triệu), Brazil (gần 1,23 triệu) và Nga (xấp xỉ 620.000), theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Mỹ có số ca mắc cao kỷ lục trong một ngày

Mỹ có ít nhất 37.077 ca mắc COVID-19 trong ngày 25/6 (giờ địa phương), cao hơn mức kỷ lục ghi nhận một ngày trước đó, theo Đại học Johns Hopkins. Cụ thể, số ca bệnh tăng ở hơn 30 bang và các quan chức y tế cảnh báo rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều vì nhiều người không được xét nghiệm SARS-Cov-2. Theo ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh của Mỹ, trên thực tế, số người mắc COVID-19 ở Mỹ có thể là 20 triệu, gấp gần 10 lần con số được xác nhận chính thức. “Nếu bạn để mọi người đi ra ngoài mà không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách xã hội trong lúc đại dịch diễn ra thì số người mắc bệnh và tử vong tăng cao là có thể đoán trước được”, nhà dịch tễ học Larry Brilliant nói với CNN.

Ngày 25/6, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh của Mỹ nói rằng, các đối tượng dễ mắc COVID-19 ở mức độ trầm trọng không chỉ có người trên 65 tuổi mà còn có bệnh nhân thận mạn tính, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người béo phì (chỉ số khối cơ thể - BMI từ 30 trở lên), người suy giảm miễn dịch do ghép tạng, người mắc bệnh tim nghiêm trọng (suy tim, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim…), bệnh hồng cầu hình liềm và bệnh tiểu đường type 2.