Liên tiếp trẻ bị chấn thương mắt

TP - Dù mới nghỉ hè nhưng Bệnh viện Mắt T.Ư đã tiếp nhận nhiều ca trẻ em bị chấn thương mắt do chơi đùa, trong đó một số ca mù vĩnh viễn hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.

> Nhược thị chữa trị thế nào?

Các bác sĩ BV Mắt TƯ đang phẫu thuật một ca trẻ bị chấn thương mắt. Ảnh: Khánh An

BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư) cho biết, chỉ tính từ đầu kỳ nghỉ hè tới nay, đã ghi nhận 4 ca tai nạn mắt trẻ em. Cháu M.A ở Hà Nội chạy vội đi vệ sinh đã đâm sầm cửa kính, mảnh vỡ kính xé toạc một bên mặt, làm vỡ nhãn cầu . Mặc dù được đưa đến bệnh viện kịp thời để phẫu thuật nhưng chức năng một bên mắt của bé gần như mất hẳn.

Cháu L.T ở Nam Định đùa nghịch với anh mình bằng... dao. Lưỡi dao vô tình phập vào mắt, bổ đôi con mắt của T. Hậu quả là một bên mắt cháu đã vĩnh viễn bị mù.

Cháu L.A ở Nghệ An dùng que chơi đùa với bạn, bị que chọc thẳng mắt gây xuất huyết tiền phòng, đứt chân mống mắt, lệch thể thuỷ tinh. Dù không phải múc bỏ mắt nhưng các nỗ lực của bác sĩ chỉ giúp A phân biệt được sáng tối chứ không còn nhìn được bình thường như trước.

Trường hợp thứ 4 là cháu T.A ở Hà Nội bị móc giá phơi quần áo ở lớp bán trú móc ngược vào mi mắt gây vết thương mi dài đến tận trán.

Theo BS Hoàng Cương, người trực tiếp cấp cứu những ca tai nạn mắt trên, phòng ngừa hay giảm thiểu là điều có thể làm được nếu các bậc cha mẹ quan tâm sát sao, trông coi con thường xuyên.

Các tổ chức quốc tế bảo vệ trẻ em khuyến cáo:

-Đừng bao giờ để trẻ nhỏ xa rời sự giám sát của người lớn. Người lớn sơ ý, mải vui, bỏ trẻ một mình thì tai hoạ thường ập đến.

-Đừng cho trẻ chơi những trò nguy hiểm, chạy nhảy với những vật nhọn sắc.

-Vật dụng quanh trẻ phải khó gây sát thương, cách bố trí về tầm hướng cũng phải an toàn. Đồ chơi nhựa, bát phíp, đồ dùng học tập không sắc nhọn hoặc phải có nắp bảo vệ... là những quy tắc an toàn trong học đường cũng như tại gia đình.

-Đeo kính có thể làm giảm 50% số tai nạn về mắt.

Trẻ nhập viện vì bỏng tăng

Thông tin từ Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, tính từ cuối tháng 5 đến nay, số ca bỏng trẻ em phải nhập viện tăng gần gấp đôi (52 em), trong đó trẻ dưới 3 tuổi chiếm 60-70%, chủ yếu là do nước sôi, thức ăn nóng.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Khoa bỏng trẻ em, thường gặp nhất vẫn là bỏng nhiệt ướt (chiếm 80-90%), loại bỏng do nước nóng, thức ăn nóng, nước tắm quá nóng... Thời gian trẻ gặp nạn nhiều nhất thường là từ 17 giờ đến 21 giờ, cao điểm là giờ nấu ăn. Dịp hè cũng là lúc Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận nhiều ca bỏng điện do trẻ thả diều, chơi dưới đường điện cao thế.

Các bác sỹ cảnh báo, với trẻ nhỏ, dù bỏng ở mức độ nào cũng rất phức tạp vì ảnh hưởng trực tiếp sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ. Di chứng thường rất nặng nề, như mù mắt, cắt cụt chân, tay; rối loạn nhiễm sắc tố da, lên sẹo gây mất thẩm mỹ; dính, co cơ, gây biến dạng khớp, cột sống...

PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng, không bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng. Sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được xử trí và điều trị kịp thời.

Theo Báo giấy