Leyna Nguyễn: Tấm gương của Việt kiều trẻ

Leyna Nguyễn đã từng đoạt vương miện Miss Asia, hai lần được đề cử giải Emmy trong lĩnh vực truyền hình, được bình chọn là một trong 25 người Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng nhất tại Mỹ.

Điều gì đã trở thành động lực cho Leyna Nguyễn thành công đến mức người ta gọi cô là tấm gương cho người Việt trẻ ở nước ngoài?

Một dịp tình cờ, người viết bài này - vốn là fan của bộ phim Star Wars - xem đoạn video Leyna Nguyễn phỏng vấn chàng Anakin đẹp trai (diễn viên Hayden Christensen) trên trang web của đài truyền hình KCBS Los Angeles. Lối phát âm theo kiểu miền trung tây của Mỹ và cái họ Việt Nam của người dẫn chương trình khiến tôi chú ý.

Gương mặt của Leyna Nguyễn trông quen quen, không nhớ đã từng nhìn thấy ở đâu. Tò mò, tôi vào profile (hồ sơ cá nhân) của Leyna trên mạng tv.com thì phát hiện cô đồng thời là người dẫn chương trình thời sự kiêm phóng viên nổi tiếng của truyền hình Mỹ.

Thú vị hơn, Leyna là phát thanh viên đầu tiên trong lịch sử truyền thông Mỹ cùng một lúc cộng tác với hai nhà đài trong cùng một khu vực. Tại Los Angeles, Leyna xuất hiện trên 2 kênh  KCBS và KCAL-TV để tường thuật các bản tin.

Những ai từng xem các phim Hollywood như Paparazzi, Duplex, The Day After Tomorrow và Price of Glory..., có thể sẽ thấy khuôn mặt Leyna hơi quen bởi cô rất nhiều lần thủ vai phóng viên (tuy chỉ là những vai phụ) trong các bộ phim đó.

Cất tiếng khóc chào đời tại Đông Hà, Quảng Trị, cô bé ban đầu có tên "Lina" bởi mẹ cô rất thích kem thoa mặt Lina, một loại mỹ phẩm được các bà các cô yêu chuộng thời bấy giờ. Năm 1975, tròn 5 tuổi, bé Lina theo gia đình sang định cư ở bang Minesota, Mỹ.  Ở đó, người ta tưởng Lina là "Leyna". Vì thế, Leyna Nguyễn trở thành tên Tây chính thức của cô gái mang trong người dòng máu Việt Nam.

Lớn lên giữa những người hàng xóm da trắng, điều may mắn là Leyna vẫn biết nói tiếng mẹ đẻ.  Trả lời phỏng vấn báo Cali Today, Leyna kể rằng bố mẹ cô rất kỹ lưỡng trong việc dạy con cái ý thức về nguồn cội văn hóa Việt. Ba cô thường động viên con cái hãy cố vượt qua những mặc cảm là người thiểu số Á Đông giữa xã hội xứ người còn nhiều kỳ thị để chứng tỏ phẩm chất trí tuệ tuyệt vời của dân tộc mình. Từ đó, Leyna lớn lên với chí hướng hòa nhập vào xã hội Mỹ nhưng không bao giờ quên cô là người Việt Nam.

Cô dâu Leyna Nguyễn và chú rể Michael Muriano trong ngày cưới

Việc Leyna Nguyễn trở thành Miss Asia 1987 lúc 17 tuổi có lẽ là một "dấu son" trong bản lý lịch của cô. Trong khi vương miện đem đến cho cô tự tin về hình thức, học vấn cho cô điều kiện để vươn lên đạt những mục tiêu cô ấp ủ từ thuở ấu thơ: trở thành người dẫn chương trình thời sự trên truyền hình, Leyna không thể nào quên những tối ngủ say, mẹ cô thường đánh thức con gái dậy xem bản tin lúc 10 giờ.

22 tuổi, Leyna tốt nghiệp chuyên ngành Mass Communications (Truyền thông đại chúng) từ trường đại học Webster tại St. Louis. Ra trường, cô mất đến 5 năm kiên nhẫn "cày cuốc" ở các đài truyền hình địa phương như CBS ở Georgia hay đài NBC ở Sacramento trước khi sự nghiệp thực sự "lên như diều gặp gió" khi về đầu quân cho các đài lớn như KCAL và KCBS ở Los Angeles.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh, Leyna cho hay, cô muốn chứng tỏ rằng một người phụ  nữ Việt Nam như cô vẫn có thể thành công về mặt chuyên môn ngay cả tại đất nước hàng đầu về công nghiệp truyền thông như Mỹ.

Năm 1995, lần đầu tiên cô được đề cử giải Emmy cho phóng sự mang tên Viet Nam: The Journey Back (Hành trình trở về Việt Nam). Sau đó, Leyna được đề cử giải Emmy lần thứ hai cho phóng sự cảm động của cô về một đứa bé nghèo cần được phẫu thuật cấy ghép nội tạng ở California. Tuy  không giành chiến thắng trong cả hai đề cử, thực lực của Leyna đã được đồng nghiệp và các nhà chuyên môn nhìn nhận.

Ở tuổi 30, nhìn nhận lại con đường đi đến thành công của mình hôm nay, Leyna không cho rằng nó được trải bằng hoa hồng. Từ rất sớm, cô nhận thức mình phải vượt qua hai bất lợi: những định kiến đánh giá thấp năng lực giới nữ và những phân biệt đối xử đối với người nhập cư. Kinh nghiệm bản thân cho cô thấy các kênh truyền hình Mỹ hạn chế dùng nhân sự không phải là người da trắng. Ngoài những nhân viên da trắng, một đài cùng lắm nhận 1 người gốc Phi và 1 người gốc Á vào làm và không có nhu cầu tuyển dụng thêm người thứ 3. Cho nên, sự cạnh tranh nghề nghiệp càng khốc liệt đối với Leyna.

Vừa qua, khi trò chuyện trên mạng với những người hâm mộ Việt kiều, Leyna tâm sự trái tim cô luôn hướng về quê hương. Năm 1997, cô thành lập tổ chức phi lợi nhuận Love Across The Ocean nhằm kêu gọi kiều bào quyên góp giúp đỡ các trẻ em kém may mắn ở Việt Nam. Tại nơi chôn nhau cắt rốn xưa, Leyna đã cho xây trường học, cung cấp sách vở cho học sinh nghèo. Kể từ năm 1991 đến nay, cô đã bốn lần trở về thăm nhà.

Tháng 4.2005, cô đã ra mắt bà con họ hàng tại xã Điếu Ngao, thị trấn Đông Hà  "ông xã" của mình bằng một đám cưới tổ chức theo nghi lễ truyền thống Việt. Chú rể là đạo diễn và nhà sản xuất  truyền hình người Mỹ gốc Italia, Michael Muriano.