Lên phố Núi, ông Miura thấy gì?

90 phút ngồi ở sân Pleiku, ông Miura có những đánh giá xác đáng về những cầu thủ được giới truyền thông "đưa lên mây", và chính ông cũng đã có lúc muốn gọi vào đội tuyển.
Nhiều cầu thủ Quảng Ninh ghi điểm với HLV trưởng ĐT Việt Nam Miura. Ảnh: H.M..

Trong lần đầu tiên "vi hành" sân Pleiku để chứng kiến cuộc so tài đỉnh cao giữa chủ nhà Hoàng Anh Gia Lai với đội đầu bảng Quảng Ninh (đấu sớm vòng 6 V.League, thứ Bảy tuần rồi), HLV trưởng ĐTVN Toshyia Miura ngồi trên ghế VIP, ngay cạnh ông trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc. Ông Miura có vẻ bỡ ngỡ khi nghe BTC sân nhắc đến tên mình, nên phải đợi ông Ngọc "nhắc khéo" thì mới từ tốn đứng dậy chào khán giả. Không biết là cái cảm giác bỡ ngỡ ấy có xuất hiện khi ông nhìn xuống sân, xem 22 con người bày binh bố trận?

Đầu tiên chắc chắn ông Miura phải nhìn Công Phượng - người mà theo đánh giá của ông là có một trình độ kĩ thuật rất cao, cũng là người mà ông từng muốn gọi vào ĐTQG tham dự AFF Suzuki Cup 2014 (theo lời của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng). Nhưng 90 phút có mặt trên sân, Công Phượng chỉ để lại ấn tượng về sự nhiệt tình khi liên tục di chuyển, chạy chỗ và không ngại tham gia vào những tình huống tranh chấp nóng. Hẳn nhiên ông Miura sẽ thấy ngoại trừ những đặc điểm này thì Công Phượng không thể hiện gì hơn khi những pha đi bóng sở trường của anh đều đã bị cầu thủ đối phương bắt bài.

Ông Miura cũng sẽ nhìn ra một tập hợp Hoàng Anh Gia Lai với lối chơi bóng ngắn liên tục dồn ép đối thủ về phía bên kia cầu môn, đặc biệt là trong 45 phút hiệp 2, nhưng vấn đề là bàn thắng duy nhất của Hoàng Anh lại đến từ một quả phạt góc, sau một cú sút xa phảng phất sắc màu ngẫu hứng, chứ không phải là sản phẩm của một lối chơi ban bật.

Trong khi đó đội khách Quảng Ninh đã thi triển những bài vở rất khác nhau ở hai hiệp đấu: đá áp sát và không ngại ép ngược chủ nhà trong hiệp 1 nhưng lại đá chùng chân và chuyển sang phòng ngự rõ rệt ở hiệp 2.

Kết quả: mỗi hiệp đấu Quảng Ninh có 1 bàn, và đáng chú ý là bàn quyết định mà Vũ Minh Tuấn ghi được, mang lại chiến thắng 2-1 cho đội nhà lại được ghi ở những phút cuối trận, khi Quảng Ninh thậm chí chỉ còn 10 người trên sân. Nói như vậy để thấy lối chơi của Quảng Ninh vừa khó đoán hơn vừa mang tính thực dụng cao hơn. Một nhà cầm quân luôn đề cao tư tưởng đơn giản, thực dụng như Miura có thể sẽ "khoái" Quảng Ninh hơn các cầu thủ chủ nhà?

Bên cạnh việc nhìn ra sự khác biệt điển hình về tư tưởng chơi bóng của cầu thủ hai đội, ông Miura hẳn cũng sẽ nhìn ra một hình ảnh đầy bạo lực của cậu học trò Minh Tùng ở nửa cuối hiệp 2. Đấy là lúc Minh Tùng phi thân, lao cả gằm giày vào đối phương trong một tình huống tranh chấp không có gì nguy hiểm ở giữa sân, nó khiến giới quan sát nhớ lại những tình huống "đánh trận giả" ở ĐTQG mà Miura thị phạm, khi những cầu thủ vào bóng kiểu ấy luôn bị Miura phê phán nặng nề. Vậy thì cửa quay lại ĐTQG của những cầu thủ như Minh Tùng khả năng rất nhỏ?

Nếu thất vọng với Minh Tùng thì ông Miura có thể sẽ rất hài lòng với một cậu học trò khác là Mạc Hồng Quân. Gần một tiếng có mặt trên sân, Mạc Hồng Quân vừa năng nổ trong những pha tranh chấp, cản phá đối phương, vừa hiệu quả trong những pha phối hợp phản công, và rõ nhất: chính Mạc Hồng Quân đã thực hiện thành công quả 11m mở điểm cho Quảng Ninh, cũng đồng thời mở ra một chiến thắng mang tầm chiến lược.

Rõ ràng, 90 phút ngồi ở sân Pleiku, ông Miura đã được kiểm chứng những màn thể hiện rất khác nhau của những cầu thủ từng được ông tin tưởng gọi vào ĐTQG phục vụ cho hành trình AFF Suzuki Cup 2014. Ông cũng sẽ có những đánh giá xác đáng về những cầu thủ được giới truyền thông "đưa lên mây", và chính ông cũng đã có lúc muốn gọi vào ĐT.

Và sau 90 phút ở sân Pleiku, có lẽ không khó đoán câu trả lời nếu hỏi ông Miura rằng giữa một đội bóng chơi cống hiến nhưng chỉ biết đá đúng một bài theo kiểu lập trình với một đội bóng luôn có những bài vở khác nhau với từng bối cảnh khác nhau thì ông sẽ thích đội bóng nào hơn!?

Theo Hiếu Hà
Theo Công an nhân dân