Đã xem qua trước đó bộ ảnh của tay máy thiện nghệ Nguyễn Phan Dũng Nhân (Đài PT-TH Bình Định), thấy thành phố Quy Nhơn từ trên cao mang dáng dấp đôi cánh đại bàng khổng lồ xoải rộng ôm vươn về Biển Đông. Đều đặn trên đôi cánh ấy là những hòn núi xanh ngắt, ôm ấp bởi rừng nhà cửa, công trình trắng toát, tinh khôi bên mép sóng...
Giờ đây đứng trên đỉnh núi Bà Hỏa cao 275 mét, gió bạt mạnh, mưa bay mờ, bỗng có cảm giác như đang bám lấy chiếc lông vũ của cánh đại bàng để bay giữa mù sương. Tiết trời hôm ấy thật không thuận tiện cho việc thướng sơn. Ngay những mét đầu tiên, dự định ban đầu sẽ phóng xe máy lên tận đỉnh núi đã không thành. Bởi núi lở, những khối đá nặng hàng tấn lăn xuống chặn hết lối đi. Chỉ có thể đi bộ vượt chặng đường dốc hơn 4 cây số nhiều đoạn nước suối trên cao chảy ngược xuống thành dòng. Cuối cùng thế mà lại hay, vừa đi vừa vạch lá đếm hoa, nhẩn nha ngắm từng hòn sỏi, bụi cây.
Lối lên Bà Hỏa đường đất đá vụn gan gà rộng vừa đủ một chiếc xe bán tải. Hai bên bát ngát màu xanh, những bờ cây bụi cỏ như tràn ra níu bước chân người. Này là những gốc mưng (lộc vừng) núi, những khóm mẫu đơn rừng người miền Trung gọi là bông trang đã nở hoa đỏ thắm. Dủ dẻ, mai núi đơm hoa vàng rộm, rồi chà là, chùm chày, sim, mua xanh ngắt. Những bụi bời lời hoa vàng nhạt. Này kia vươn lên là những chùm bồ kết đã khô cong, những bụi tơ hồng vấn vương choàng bên bụi lau bạc đầu nặng trĩu hơi mưa phía đầu dốc. Thỉnh thoảng loạt soạt cánh chim rừng lao vút ra khỏi bụi bờ cất tiếng lảnh lót gần xa vang qua những đồi thung. Lâu lâu một con suối nhỏ len lỏi rẽ rừng cao chảy xoài ngang mặt đường rồi tràn xuống bờ vách núi phía dưới là những mái phố... Từng có dự án khu du lịch sinh thái hơn 250 tỷ đồng trên đỉnh núi này, quy mô 9,6 ha với các hạng mục nghỉ dưỡng, điểm tham quan, du lịch làng nghề, nông trại,… Nhưng sau 5 năm, mới đây nhà đầu tư đã xin dừng dự án, rừng núi vẫn hoang sơ.
Nếu đỉnh Bạch Mã dưới mắt nhìn Hoàng Phủ như một mỹ nhân “ảo ảnh trong sa mạc, huy hoàng phút chốc rồi tan biến, chỉ còn lại một bóng núi lau mờ”, thì ngọn Hỏa sơn này với tôi như một chàng trai đất võ vạm vỡ choãi chân “trích thủ kình thiên”.
Quy Nhơn là thành phố của những ngọn núi, hay đúng hơn là những đường phố chen chân với núi. Riêng khu vực nội thành “chứa” đến ba ngọn núi là Bà Hỏa cao 275 mét, xa hơn một chút phía Ghềnh Ráng là Xuân Vân 242 mét, và Vũng Chua gần 600 mét. Các ngọn núi tạo nên bức tường thành che chắn phía tây và tây nam thành phố như chiếc ngai, hướng ra biển Đông. Núi đồi và “cao nguyên” án ngữ trong thành phố này chắc cũng phải chiếm một phần không nhỏ diện tích. Nhiều khi đi trên những tuyến đường vờn quanh chân núi, tôi cứ nghĩ nếu như địa phương giàu có làm những cung đường xuyên núi, bên trong những đường hầm làm dịch vụ du lịch thì thú vị phải biết.
Ngồi trò chuyện với họa sĩ, nhà báo Viết Hiền, cũng là người nghiên cứu văn hóa, chợt nhắc lại câu chuyện dự án phù điêu truyền thuyết cha mẹ Lạc Long Quân-Âu Cơ và 100 người con mà tỉnh Bình Định dự định cho tạc lên vách núi Bà Hỏa này hồi năm 2019. Theo thiết kế, phù điêu gồm 3 lớp đục trực tiếp vào đá dài tới 81,5 mét, cao 36 mét, và cắt sâu vào vách núi khoảng 25 mét, tổng mức đầu tư 86 tỷ đồng, quay mặt về khu vực ngã năm đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn. Nhưng dự án sau phải hủy, bởi liên tục xảy ra sạt lở, ngay tại vị trí này đá đổ đã từng khiến người qua đường thiệt mạng. Núi Bà Hỏa theo các nhà khoa học có nền địa chất gồm đá núi lửa rhyolite, đá cao oxit silic (Si02) tương đối bền với thời gian nhưng dễ nứt nẻ. Loại đá thứ hai là đá trầm tích (loại cát kết, cuội kết), độ ổn định kém. Đây sẽ là khó khăn, thách thức đối với những người thi công, nhất là khả năng xảy ra tình trạng sứt mẻ, vỡ bể khi đục, đẽo, tạc phù điêu. Chưa kể qua thời gian mưa bão có khả năng xuất hiện đới đứt gãy, đá trầm tích dễ bị sạt lở ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.
Thực ra chạm khắc tác phẩm lên vách núi ngay cửa ngõ thành phố này là một ý tưởng hay, đầy thi vị. Chẳng phải đã có hàng ngàn tác phẩm điêu khắc trên vách núi dựng đứng Mạc Tích Sơn (thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc) đó sao. Rồi những tác phẩm điêu khắc hoành tráng như trên vách núi Rushmore tiểu bang South Dakota, hay khối phù điêu khổng lồ đắp trên vách núi Đá (Stone Mountain) ở bang Georgia trở thành những biểu tượng của nước Mỹ. Rồi tượng đại bàng khổng lồ nhất thế giới trên đỉnh một ngọn đồi tại Công viên Trung tâm Trái đất Jatayu ở Kerala (Ấn Độ)… Với Bà Hỏa, vấn đề là tính toán giải pháp thi công phù hợp với địa chất, địa hình, biết đâu sẽ có một ngày khu vực này sẽ xuất hiện một quảng trường phù điêu ấn tượng?
Thơ Hàn Mạc Tử bát ngát tình yêu mây trời, nước non. Phải chăng những câu thơ “Sóng dồi mặt đá phơi đầu bạc/Nắng dọi lưng cây suốt động đào” (Thanh nhàn), hay “Phải người chăng, đồi cao đương hoảng hốt/Bọc trăng vàng trong áo ngủ quên đi” trong bài “Thi sĩ Chàm” tặng người em thi sĩ Chế Lan Viên, là viết về nơi chốn đồi thung cảnh trí man mác này đây? Ôi, những chàng thi sĩ mộng mơ thời ấy “Bọc trăng vàng trong áo ngủ quên đi”…
Câu chuyện có lý hơn, bởi công cuộc “băng bó” vách núi này đang diễn ra khẩn trương. Cũng khá lạ, trong khi khắp nơi xẻ núi, bạt núi, bao chiếm núi non để kiếm lợi nhuận, thì ở đây làm ngược lại. Dự án khắc phục sạt lở mái ta luy vách núi Bà Hỏa tại cửa ngõ thành phố có kinh phí 62 tỷ đồng, hiện đang về đích. Gần 2.000 mũi khoan bắn đinh neo sâu vào đá núi (5-8 mét) để neo giữ gần 8.000 m2 lưới thép sức kháng cao, cùng với hệ thống thoát nước từ trên đỉnh. Liệu khi vách núi đã bền vững hơn rồi, những tác phẩm hoành tráng và hiện đại sẽ có điểm tựa để trưng trổ?
Vừa bước xuống hết núi Bà Hỏa là chạm chân ngọn đèo Son. Đọc Quách Tấn, chợt nhớ đèo Son là nơi thi nhân Hàn Mạc Tử năm xưa có di nguyện muốn nằm lại sau khi qua đời, bởi tầm quá đẹp trước non nước mây trời.
Hỏa và Son, đều nóng rực. Trên núi, lâu lâu lại gặp tấm bảng cảnh báo cháy rừng. Cứu hỏa trên núi Bà Hỏa, không dễ. Hàng năm vẫn xảy ra cháy rừng, có lần thiệt hại hàng chục ngàn mét vuông rừng keo lá tràm. Nhiều bận lực lượng chữa cháy phải xách từng can nước, vỉ dập lửa, rồi kéo ống nước bơm từ dưới phố lên núi để chữa cháy. Núi và người sống sát bên người, lửa cũng theo người lên núi, bập bùng chia sẻ cuộc mưu sinh lẫn tâm linh hương khói.
Ngọn lửa đèn ấm áp, sung túc Phú Đăng Hỏa của năm mới Giáp Thìn đang chạm ngõ. Thì như trong bài kệ của Khuông Việt thiền sư “Mộc trung nguyên hữu hỏa, Nguyên hỏa phục hoàn sinh”. Ngọn lửa luân hồi ngũ hành qua mỗi thân cây ngọn cỏ, và nhưng dưới bàn tay con người. Như khát vọng ngọn núi mang tên của lửa vẫn muôn đời tươi xanh…