Ở cánh rừng phía Tây Thanh Hóa, thuộc địa phận xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, giáp ranh với tỉnh Nghệ An, người dân địa phương vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện tình ngang trái của đôi trai gái người dân tộc Mường.
Đường lên thác
Chuyện kể rằng, ngày xưa ở vùng đất này, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống từng chòm bản, hình thành nên những thổ ty, lang đạo, có sự phân biệt người giàu, người nghèo.
Đa số người dân làm công việc phát rẫy, làm nương, vào rừng kiếm cái măng, bó củi, bắt thú để mưu sinh, kiếm sống.
Một đôi trai gái không cùng bản mến nhau qua từng ánh mắt nhìn âu yếm, lời nói ngọt như giọt mật ong rừng; qua từng bước chân, nhát cuốc trong những lần gặp trên rừng, trên rẫy.
Biết cô gái đã đem lòng yêu mến chàng trai, nhưng bố mẹ cô gái không cho hai người thành vợ thành chồng. Gia đình ép cô gái phải về làm dâu cho một gia đình giàu có, quyền lực ở trong vùng, với mong muốn con gái được sung sướng.
Những đoạn thác gập ghềnh đá
Nỗi ai oán của cô gái và chàng trai chẳng thấu lòng người, thấu trời đất. Vào những đêm trăng, nỗi nhớ càng làm cho họ cô đơn giữa chòm bản giữa rừng. Tiếng “Pí Khùi”- sáo gọi bạn tình- của chàng trai thổi nỉ non, vang cả góc rừng, làm con thú hoang, chim muông cũng mủi lòng.
Nhiều du khách đến với thác Trai- Gái
Vào một hôm, chàng trai có công việc phải đi sang xứ Mường xa. Cũng là ngày gia đình cô gái nhận lễ vật cưới từ gia đình giàu có nọ. Theo lệ, sáng ngày mai là cô gái được nhà trai bắt về làm dâu.
Thông tin này được những người thợ săn gửi đến chàng trai nhà nghèo. Chàng trai liền vượt núi rừng quay về bản. Đêm hôm đó, cũng là đêm trăng sáng, cô gái ngồi khóc bên cửa, mang theo lời cầu nguyện được gặp lại người yêu.
Những vùng nước trong trên thác
Nghe tiếng động dưới chân cầu thang, cô gái xuống dưới nhà gặp người yêu vừa đến. Họ ngồi nói chuyện hiếu, nghĩa, ân tình, rồi cả hai cùng quyết định bỏ trốn. Đứng bên ngoài ngôi nhà, cô gái quỳ lạy bố mẹ nói lời cảm ơn, xin lỗi và từ giã.
Sau đó, họ dắt tay nhau vừa luồn rừng, vừa vạt cây bỏ trốn. Họ chạy như người có tội bị rượt đuổi phía sau. Chân toác máu, tiếng thú dữ gầm rú, sương mù mịt đêm trăng.
Lần mãi, đến một ngọn núi cao có tiếng thác đổ, hai người ngồi ở một tảng đá lớn và cầu nguyện trời đất chứng giám cho tình yêu, mong được làm vợ chồng ở kiếp sau.
Họ cùng nhau nhảy xuống thác nước. Thế nhưng, các vị thần chẳng chấp thuận chuyện tình của họ, bởi tình yêu của họ chưa được tổ tiên và sự đồng ý của hai bên gia đình. Các vị thần liền không cho đôi trai- gái này chết mà biến họ thành hai con cá Láu ở thác nước.
Những người dân bản đi qua thác nước này thỉnh thoảng vẫn gặp đôi cá lạ quấn lấy nhau này. Cứ có người qua là đôi cá lại ngoi lên mặt nước như muốn để nhắn nhủ điều gì. Từ đó, thác nước này có tên gọi là thác Trai Gái đến ngày nay.
Ở quanh khu rừng bên thác có rất nhiều đá thạch anh, là loại đá hình lục lăng, trong suốt, có nhiều màu, có giá trị. Tương truyền rằng, đó là những giọt nước mắt của cô gái trên đường bỏ trốn cùng người yêu.
Truyền thuyết về chuyện tình cảm động của đôi trai gái ở vùng đất Xuân Lẹ qua năm tháng hình thành nên nhiều dị bản. Theo ông Hoàng Bồng (SN 1958) là cán bộ của Trung tâm văn hóa huyện Thường Xuân cho biết: “Dẫu có nhiều dị bản khác nhau về truyền thuyết thác Trai gái, nhưng mỗi dị bản đều thể hiện nét văn hóa riêng của người Mường như: Tiếng sáo gọi bạn tình, văn hóa cưới xin, các điệu hát khặp...”
Hiện nay, thác Trai Gái thuộc địa bàn thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ. Thác được chia thành 4 bậc (thác nhỏ) khác nhau có tên gọi như Canh Cù (hoặc Lanh Ngài), Trai Gái, Nhà Bạt... Đường lên thác là lối mòn của người đi rừng. Thác tọa lạc trên hệ thống núi Sản Phăm, bắt nguồn từ sông Năm Muồng chảy từ tỉnh Nghệ An sang. Ở nhiều điểm thác có nhiều bãi đá, phiến đá lớn bằng phẳng, thác nước cao tới cả trăm mét... tạo nên những hình ảnh thiên nhiên đẹp nhưng đầy thử thách nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Hương- Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ cho biết thêm: “Cũng có nhiều câu chuyện huyền bí từ thác Trai Gái được nhân dân địa phương truyền miệng như chuyện người đàn ông đi rừng nằm mơ gặp một nàng rất xinh chỉ đường tìm đến nơi có nhiều quế nàng. Sáng mai tỉnh giấc, người đàn ông này tìm đến được cánh rừng có nhiều cây quế nàng, bóc về đem bán được rất nhiều tiền. Rồi những khi thời tiết thay đổi, những âm thanh rất lạ phát ra từ khu vực thác Trai Gái... Dù đây chưa phải là vùng đã được xây dựng để khai thác tiềm năng du lịch, nhưng du khách ở khắp trong ngoài tỉnh cũng biết đến địa danh này. Trong đó có nhiều du khách là những bạn trẻ, sinh viên... Do thác có độ cao lớn, nhiều ghềnh nên đã có những tai nạn xảy ra tại khu vực thác khiến cho truyền thuyết về thác này càng mang nhiều sắc màu huyền bí, linh thiêng. Sớm quy hoạch, quản lý, khai thác hoạt động du lịch tại thác Trai Gái là mong muốn của nhiều người dân địa phương”.
Vào các dịp lễ, Tết trong năm, du khách nhiều nơi, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn hành trình leo núi, về với thác Trai – Gái để ngắm thác, hít hà mùi hương quế nàng, nghe câu chuyện tình yêu dưới ánh lửa, rượu cần...