Lên đất Thái, xem con gái mời trà

TP - Xóm Cây Thị hôm nay dậy sớm hơn mọi ngày. Thực ra đã một tuần nay, cả xã Phúc Xuân, cả TP Thái Nguyên, cả tỉnh Thái Nguyên đều dậy sớm hơn, tưng bừng với một Festival Trà đặc biệt. Hương trà thơm lan tỏa khắp nơi có thể khiến du khách lãng quên về một thành phố công nghiệp gang thép bụi bặm ngày nào.

> Tưng bừng khai mạc Carnaval Trà Thái Nguyên

Cô gái trẻ xinh đẹp Đoàn Thị Duyên được xóm Cây Thị chọn đi dự cuộc thi trình diễn nghệ thuật pha trà mời khách. Ở Thái Nguyên, văn hóa thưởng trà có ý nghĩa sâu xa. Người pha trà phải là người tinh tế, nhạy cảm, điêu luyện điều chỉnh thìa trà, pha cho hợp nước hợp tình, đôi tay cái tỷ mẩn mà sạch sẽ ấm chén.

Để có tách trà thật ngon, ngoài thổ nhưỡng thiên nhiên ban tặng và giống chè quý, cái công phu đẫm mồ hôi của người trồng chè, chế biến chè - những nghệ nhân đích thực mang đến ngũ quý cho đời (sắc, khí, hương, vị, thần) và tuyệt kỹ của người pha trà mới gọt giũa nên tinh túy vị trà đất Thái.

Tiếng đàn Then, lời hát Then tập tưng gợi bạn gợi tình. Một sân khấu được bày biện cầu kỳ với dụng cụ pha trà cầu kỳ. Phụ giúp cho Duyên có hai cô gái nữa ngồi bên. Cô nhẹ nhàng lau sạch từng mép tách, ấm. Nước sôi tẩm lên ấm sứ một đôi lượt. Thìa trà nghiêng tay đưa vào. Này là “cao sơn trường thủy”, một lượt nước sôi tráng nhẹ, ấm vươn lên cao. Này là “hạ sơn trường thủy”, lượt nước sôi tinh khiết lần hai tụ lại… Một lượt nhạc Then nữa, “tam long giá ngọc” khéo léo với ba ngón tay nâng ly trà mời khách. Nụ cười xinh, má ửng hồng, đón ly trà ngon du khách không đắm đuối mới lạ chừng…

Duyên kể, ở xóm Cây Thị nhà nào cũng làm chè, làm từ nhiều đời nay, giờ nhà ít có vài sào, nhà nhiều có cả mảng đồi rộng, thu nhập mỗi hộ từ chục triệu đến hàng chục triệu đồng một tháng. Xóm còn có hợp tác xã chè Tân Hương, trồng chè, chăm chè, hái chè, chế biến, tiêu bao sản phẩm cứ vèo vèo. Nhiều nhà ở xóm Cây Thị và trong xã Phúc Xuân đã xây nhà lầu, mua xe hơi. Duyên đang là sinh viên năm ba trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Sáng giảng đường, chiều nương chè. Cô hái nhanh tay được cả 25kg chè tươi/ngày.

Những cô gái đến từ xóm Hồng Thái ở xã Tân Cương không kém cạnh tài sắc. Đất chè Tân Cương nức tiếng sang cả trời Âu, Ấn, Mỹ. Con gái Tân Cương đã đẹp lại nhanh tay. Ngô Thị Duyên cũng là cô gái được xóm chọn đi trình diễn, mời chúng tôi tách trà: Giờ xã em mua ô tô cả rồi. Giống trà 777, Bát Tiên, Trung du hay chè Đinh đang rất được chuộng trồng ở Tân Cương, loại nào uống cũng ngon. Mỗi tháng thu nhập cho hộ gia đình 15 - 40 triệu đồng. Giờ kỹ thuật canh tác tốt, chè ngon nên tiêu sản phẩm cũng nhanh lắm.

Ở thành phố Thái Nguyên, có những sinh viên rất thích làm cộng tác viên cho những doanh nghiệp trà. Họ quảng bá, giới thiệu sản phẩm vào dịp lễ hội. Sinh viên năm ba như Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Kim Ngân, Trần Thị Hằng của ĐH Kinh tế Thái Nguyên đang làm thêm giờ như vậy cho Cty An Lộc Sơn, một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực gang thép giờ cũng chế biến và kinh doanh nhiều sản phẩm trà, trong đó có trà búp xanh xao suốt và trà hoa nghệ thuật.

Bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Mỗi người dân làm chè Thái Nguyên sẽ là một hướng dẫn viên du lịch.

Bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định với Tiền Phong rằng thổ nhưỡng, khí hậu tuyệt vời ở vùng đất Thái và đôi tay khéo léo yêu lao động của người dân Thái Nguyên (huyện nào cũng trồng chè) đã tạo nên những sản phẩm trà đa dạng có hương thơm, vị đượm đặc biệt rất riêng có mà khách thưởng trà khó tính nhất cũng phải hài lòng. Nhà nhà làm chè, doanh nghiệp làm chè.

Lễ hội Văn hóa Trà tạo điểm nhấn quảng bá, tôn vinh cây chè, các sản phẩm và văn hóa trà Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung.

Đêm qua (9/11), Festival Trà Thái Nguyên được tổ chức tại hồ Núi Cốc. Tối nay, diễn ra chung kết cuộc thi “Người đẹp xứ Trà”. 32 cô gái đẹp nhất của Thái Nguyên sẽ so đọ nhan sắc trên một sân khấu hoành tráng ở Trung tâm Thành phố.
Theo Báo giấy