Chuyện như vậy không loại trừ cả anh nông dân trồng ổi Nguyễn Đức Hậu, vào lúc anh quyết định ghi hình mình hát trong phòng ngủ, rồi đăng tải trên trang chia sẻ video với cộng đồng mạng. Giống như nhiều cư dân mạng khác, tại trang cá nhân, anh bắt đầu hoá thân thành một nhân vật ảo như kiểu “Bà Tưng”.
Cuộc hóa thân
Hậu tự xưng mình là “Lệ Rơi”, trong cuộc giao tiếp vừa mở ra với những người xa lạ, đến và đi trong một vòng kết nối mênh mông bất tận, tuỳ theo dư âm ấn tượng mà họ để lại một lời bình phẩm hay tiếp tục chia sẻ với những người khác. Chính khi những luồng truyền tin này kích hoạt, là lúc câu chuyện “chỉ để hát cho nó vui, hát cho nó có phong trào và hát để xua đi nỗi sầu” của Hậu, bắt đầu đi xa hơn mục đích ban đầu.
Một số người có lẽ không tin vào điều Hậu nói khi cho rằng anh làm điều này cốt để nổi tiếng, để “tiến thân vào showbiz”. Không loại trừ trường hợp cảm giác thấy mình vô danh giữa cộng đồng ảo bao la, rộng lớn đã đẩy con người đi tới những hành động khiến người khác phải chú ý trong thời đại mà người ta có nhiều tự do hơn để thể hiện bản thân. Nhưng nói anh muốn trở thành người nổi tiếng có lẽ là cách đặt vấn đề hơi quá xa so với hoàn cảnh một anh nông dân xấu trai, hát dở.
Thực tế, đã có hàng trăm trường hợp, người ta làm đủ chuyện từ điên rồ tới lãng mạn, từ mua vui tới giật gân trên mạng, nhưng không phải lúc nào món quà “được nổi tiếng” cũng “rơi trúng đầu” người có chủ đích. Ngay cả khi họ đã làm theo đúng lời khuyên từ các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông số.
Thế nên, sự kiện “Lệ Rơi” gây tranh cãi ầm ĩ mấy ngày qua, phản ánh nhiều vấn đề của truyền thông và đám đông hơn là của Hậu, bởi anh chẳng có gì ngoài “cái tội” đã quá hồn nhiên và thật thà khoe giọng hát của mình trên mạng. Ít nhất một quan điểm sẽ được bảo vệ là thú vui cá nhân đòi hỏi phải được tôn trọng khi nó không phạm pháp và cũng không ảnh hưởng gì đến ai. Ngay cả khi anh đưa nó lên mạng thì quyền xem hay không muốn xem vẫn thuộc về bạn.
Phiên bản dị hình của nghệ thuật
Ở đây có lẽ không nên đặt vội vấn đề nghệ thuật chuyên nghiệp có đang xuống cấp hoặc lệch chuẩn về giá trị hay không, khi cả người trình diễn lẫn tiếp nhận đều nhận thức hành vi của mình không đi quá xa một thú vui đời thường, là hát và được nghe những người xung quanh hát. Hàng ngàn người có lẽ hát còn dở hơn Hậu, nhưng giọng hát dở của anh lại tình cờ nằm trong một hợp điểm của nhiều yếu tố kích thích tiếng cười của nhiều người.
Giữa thời mà người ta thường khoác cho mình lớp son phấn lấp lánh nhờ đủ loại phương tiện hỗ trợ trước khi phô mình trước đám đông, Hậu với cái tên “Lệ Rơi” (nghe “sến sẩm” một cách hài hước) xuất hiện hoàn toàn trong vẻ thô kệch chân quê, có khi là chiếc áo cũ, có khi cởi trần. Từ trong phòng ngủ, anh sử dụng một chương trình karaoke và một webcam để ghi hình bài hát rồi đưa lên mạng. Bằng lối tư duy có trước có sau, anh biết tạo cho bài hát của mình một câu chuyện, qua phần lời dẫn nghe rất vần điệu, trôi chảy và có nhiều lối nói hài hước.
Mọi người cũng cười cả cách Hậu phát âm ngọng rất nặng giữa “n” và “l”, mà vẫn gắng gào hết mình để bắt kịp giai điệu, giữa mớ âm thanh bùng nhùng phát ra từ chiếc loa rẻ tiền. Sau lưng anh là chiếc giường và căn phòng cũ kỹ, mà tùy thời điểm còn có thêm chiếc mùng đang buông. Ở đó, Hậu hát tự nhiên như thể trước mặt mình chỉ có một màn hình máy tính và chiếc webcam nho nhỏ. Hậu hát hết mình ngay cả khi “có một số ý kiến bạn trẻ rất quá khích, và một số bạn trẻ có ý kiến không được tốt đối với ca sĩ Lệ Rơi”. Hậu hát vui trong dư âm của những lời cổ vũ và yêu cầu hát tặng từ những người xa lạ.
Hậu khiến mọi người không thể không phì cười và nổi tiếng nhanh trên mạng bằng tốc độ của ánh sáng. Nhưng đó lại là tiếng cười mà sau khi lắng lại, dễ trở thành sự bối rối cho những ai không quen cười cợt vào những thể hiện tự tin thái quá, hay có thái độ xúc phạm đến niềm yêu thích riêng tư của người khác. Và sự nổi tiếng vô vị lợi của người này có khi lại là “mồi ngon” cho những người khác.
Và thực tế, những “trục lợi” từ danh tiếng của “Lệ Rơi” đến hôm nay đang trở thành câu chuyện văn hoá về sự kệch cỡm và lố bịch đến khó tin. Ai đó đang mưu đồ đẩy anh lên sân khấu, mà bản chất hành vi là kiếm tiền bằng cách phô bày một phiên bản dị hình của nghệ thuật không nhằm tạo ra những rung cảm thẩm mỹ cho người xem. Đưa mình vào vòng xoáy của những phù hoa trước mắt, Hậu đóng cùng lúc hai vai trò vừa là tác nhân, lại vừa là nạn nhân. Mà có khi trên đường trở về, những mùa ổi ngọt năm nào đã trở thành đồng quả đắng của đời người ngắn ngủi.
Theo Minh Chánh