Lễ hội “Ngày hạnh phúc”

TP - “Hạnh phúc gia đình không phụ thuộc vào một đám cưới xa hoa. Điều quan trọng là hai vợ chồng đủ yêu thương, sẻ chia và cảm thông cho nhau thì sẽ nắm tay nhau vượt qua được mọi thử thách trong cuộc sống”. Đó là những chia sẻ của chú rể Nguyễn Thành Luân tại lễ hội đám cưới tập thể theo nếp sống mới, sáng 23/4.
Những cô dâu chú rể tại đám cưới nếp sống mới.

Lễ hội đám cưới tập thể mang tên: “Ngày hạnh phúc” do Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với Quận ủy Ba Đình tổ chức. Chương trình nhằm thực hiện Chỉ thị 11/CT-TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội. Tham gia đám cưới tập thể có 36 cặp đôi, trong đó 18 cặp đôi trẻ “Đám cưới nếp sống mới” và 18 cặp đôi già “Đám cưới vàng” có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc từ 50 năm trở lên.

Vượt qua sóng gió

Nắm tay cô dâu trẻ Nguyễn Thu Hằng chuẩn bị bước lên sân khấu làm lễ cưới, nhận giấy chứng nhận kết hôn, chú rể Nguyễn Thành Luân nói: “Cuộc sống ai cũng có công việc riêng nhưng khi về đến nhà, chồng sẽ cùng vợ làm việc nhà, nấu cơm, chăm sóc con cái. Hạnh phúc gia đình không phụ thuộc vào một đám cưới xa hoa hay đơn giản. Điều quan trọng là hai vợ chồng đủ yêu thương, sẻ chia và cảm thông cho nhau thì sẽ nắm tay nhau vượt qua được mọi thử thách trong cuộc sống”.

Đôi bạn trẻ Luân và Hằng đã trải qua 2 năm yêu nhau. Luân bảo, gia đình cậu đủ điều kiện để tổ chức cho hai vợ chồng một đám cưới đầy đủ nhưng cả hai đều quan niệm, cưới xin không cần phải linh đình, xa hoa; chỉ cần đơn giản, ấm áp mà hạnh phúc. Vì thế khi biết đến đám cưới tập thể, đôi bạn trẻ đã tự nguyện đăng ký. “Ngày hôm nay, hạnh phúc của chúng tôi được nhân lên gấp bội. Bên cạnh gia đình, chúng tôi còn nhận được lời chúc phúc từ lãnh đạo TP, quận, các cơ quan đoàn thể và cả những người chúng tôi chưa quen biết”, chú rể Nguyễn Thành Luân nói và cho biết, sau đám cưới tập thể, đôi bạn trẻ sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại nhà cho họ hàng, bạn bè đến chia vui.

Cô dâu Trần Thu Hương và chú rể Nguyễn Ngọc Tân có 4 năm yêu nhau. Chú rể Ngọc Tân ít hơn cô dâu Thu Hương 3 tuổi nhưng trông chững chạc, chín chắn hơn hẳn. Thu Hương cho biết, 4 năm bên nhau, cả hai đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc, có không ít sóng gió, thử thách nhưng đã vượt qua tất cả để đi đến hôn nhân. “Chúng tôi rất hiểu nhau từ những đức tính tốt, sở thích cho đến những thói quen xấu. Vì thế, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống hôn nhân, cả hai đều xác định ngoài tình yêu thương, vợ chồng cần cảm thông, sẻ chia, đặc biệt tôn trọng nhau. Như thế hôn nhân mới bền được”, cô dâu Thu Hương nói.

Giữ hòa khí mẹ chồng, nàng dâu

Ông Trần Văn Trọng (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Cầu (75 tuổi) đã 55 chung sống hạnh phúc bên nhau. Làm cô dâu “Đám cưới vàng”, bà Nguyễn Thị Cầu không giấu được niềm vui, chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống sống chung 3 đời. Vợ chồng có 3 cậu con trai, cậu cả đang ở bên Đức. Hiện vợ chồng tôi sống cùng nhà với gia đình con trai út; ở cạnh nhà gia đình đứa con trai thứ hai. Bao nhiêu năm gia đình vẫn giữ được hòa khí ấm áp, yêu thương. Gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa”. Để có được hạnh phúc đó, mỗi người trong gia đình biết nhường nhịn, thấu hiểu và sẻ chia cho nhau. Đặc biệt trong chuyện mẹ chồng nàng dâu, không có sự phân biệt, đối xử mà mẹ chồng luôn xem con dâu như con gái mình. “Thậm chí, những người làm cha làm mẹ cần biết hy sinh. Có lần vợ chồng tôi đã lên kế hoạch đi du lịch nhưng rồi đến ngày đi không có ai trông cháu nội, các con vẫn phải đi làm. Thế là vợ chồng tôi hủy kế hoạch đi chơi để ở nhà với cháu”, bà Cầu kể. “Hay trong chuyện ăn uống, chúng tôi già rồi thích nấu kỹ, ăn mềm; bọn trẻ thích nấu đơn giản, nhanh gọn. Biết điều đó, trong lúc nấu ăn, tôi cũng để ý thức ăn của bọn trẻ thì múc ra trước, còn của mình thì hầm thêm một lúc nữa”, bà Nguyễn Thị Cầu chia sẻ bí quyết.

Ông Vũ Hữu Yêm và bà Vũ Thị Thái đã có 60 năm hôn nhân hạnh phúc. Ông Yêm kể, hai ông bà tổ chức đám cưới năm 1957. Lúc đó, bà đã tốt nghiệp Sư phạm tiểu học và đi làm, còn ông vẫn là sinh viên. Dù điểm xuất phát “lệch” nhau như vậy nhưng tình yêu đã đem lại hạnh phúc lứa đôi tròn đầy. Thời còn trẻ, cuộc sống của hai ông bà phải trải qua rất nhiều thử thách. Ai cũng bận công tác, nên vợ chồng trẻ phải thường xuyên sống xa nhau, chỉ gặp nhau vào những ngày nghỉ tranh thủ hoặc các dịp lễ Tết. Một mình bà quán xuyến việc nhà, nuôi dạy con cái. Nhưng với tình yêu thương chân thành, biết hy sinh cho nhau mà ông bà đã vượt qua tất cả để xây dựng được tổ ấm hạnh phúc. Hiện ông bà có 4 người con, các con cháu đều trưởng thành và thành đạt. Gia đình luôn là gia đình văn hóa tiêu biểu. “Đám cưới ngày xưa đơn sơ, giản dị nhưng hạnh phúc vẫn tròn đầy. Tôi cũng muốn nhắn nhủ với các cháu trẻ rằng, hạnh phúc vợ chồng không phụ thuộc vào một đám cưới xa hoa hay đơn giản. Như chúng tôi ngày trước, những đám cưới vô cùng giản dị nhưng vợ chồng yêu thương nhau, cùng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để đến nay khi đi gần hết cuộc đời cũng chưa bao giờ hối hận với quyết định thời son trẻ và luôn hạnh phúc tròn đầy”, ông Vũ Hữu Yêm nói.

“Mô hình “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” là một trong những cách làm tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về việc cưới theo nếp sống văn minh. Lễ hội cũng góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, hỏi và hình thức tổ chức cưới linh đình, xa hoa, lãng phí. Toàn bộ chi phí tổ chức đám cưới tập thể đều được xã hội hóa”.

Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng