Lệ đắng của cô bé lớp tám làm gái bán hoa

Tuổi thơ bất hạnh và cuộc gặp gỡ định mệnh với những người bạn ngoài xã hội đã đẩy Ngụy Thị Thanh từ một học sinh lớp tám trở thành một cô gái bán hoa. Chỉ mới chưa đầy mười lăm tuổi mà niềm tin vào con người, vào cuộc sống của em đã không còn nữa.
Ảnh minh họa.

Tuổi thơ bất hạnh

Em đã khóc thật nhiều khi hồi tưởng lại quãng đời tuổi thơ không may mắn của mình. Em chưa từng được biết mặt bố cho tới khi em tròn 12 tuổi. Bởi bố em bị bắt vì tội buôn bán hàng quốc cấm từ khi em còn là cái thai nằm trong bụng mẹ. Thế nên suốt tuổi thơ em chỉ có mẹ và anh trai bên cạnh. Vì thiếu vắng trụ cột trong gia đình nên mẹ luôn phải gồng mình để lo lắng cho cuộc sống của hai anh em. Mẹ gần như không còn thời gian nào để quan tâm xem em và anh trai em sống như thế nào.

Ngày nào cũng vậy, mẹ ra đi từ tờ mờ sáng cho đến tận khuya mới về. Sau mỗi ngày như thế mẹ đều để lại tiền cho hai anh em tự chăm lo cuộc sống. Hai đứa trẻ cô độc không được cha dạy dỗ nay lại hụt luôn cả sự quan tâm chăm sóc của mẹ khiến chúng chỉ biết dựa vào nhau mà tồn tại. Cuộc sống của em thực sự trở thành địa ngục khi người cha mà bấy lâu em trông ngóng trở về.

Thanh còn nhớ như in buổi trưa hôm đó khi Thanh đi học về, bước vào nhà em thấy một người đàn ông đầu tóc, râu ria rậm rạp đang ở trong ngôi nhà của mình. Đang ngơ ngác chưa biết người đàn ông lạ ấy là ai thì mẹ em vội chạy ra nói nhỏ: “Bố về đấy. Chào bố đi!”. Thanh đứng chôn chân tại chỗ và mãi mới thốt ra được một câu chào với một người đàn ông lạ hoắc. Những tưởng cuộc đời của em từ đây sẽ thay đổi. Những tưởng người cha sau khi lầm lỗi trở về sẽ dành chọn tình yêu thương cho hai đứa con của mình để bù đắp cho những tháng ngày xa cách. Nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như thế. Chỉ vài ngày sau đó, người mà Thanh gọi bằng bố đã dở chứng với ba mẹ con em.

Nghe những người xấu xúi bẩy, họ nói rằng mẹ Thanh ở nhà quan hệ linh tinh nên chưa chắc gì Thanh đã là con của ông ấy. Vậy là ông ta nghi ngờ về điều đó. Ông ta đánh mẹ Thanh những trận đòn thừa sống thiếu chết. Ông ta cũng không tiếc những lời lẽ thô thiển và tục tĩu để chửi rủa người vợ của mình. Không còn biết làm gì hơn, mẹ Thanh chỉ biết khóc. Thanh thấy thương mẹ nhiều lắm. Có lần Thanh bênh mẹ nên đã cự lại ông ta và bị ông ta đánh cho một trận nhừ tử.

Kể từ hôm ấy, ông ta luôn kiếm đủ mọi cớ để hành hạ hai mẹ con Thanh. Thanh hận ông ta nhiều lắm. Ông ta đã chẳng nuôi dưỡng Thanh được một ngày nào, nay trở về lại trút lên Thanh và mẹ những trận đòn thù ghê gớm. Mẹ Thanh sợ ông ta đến mức đã phải bỏ nhà đi làm tận một nơi xa. Dù thương con nhưng mẹ Thanh cũng không thể cho con cùng đi bởi Thanh còn phải học. Mẹ biết Thanh cần phải học mới có cuộc sống tốt đẹp.

Kể từ khi mẹ ra đi, Thanh như cái bóng trong nhà của mình. Dật dờ và lặng lẽ chịu đựng sự độc ác đến nghiệt ngã của người cha thú tính. Hè năm 2009, nhân dịp được nghỉ hè, Thanh đã trốn ra nhà bác và xin được ở đó mấy tháng hè. Nhưng cuộc sống của người Hà Nội bộn bề bận rộn, các bác của Thanh đi làm suốt ngày. Thanh ở nhà một mình cảm thấy thật buồn.

Một hôm, trong lúc hai bác đi làm vắng, Thanh đã tự mình trốn đi chơi. Thanh bắt xe bus rồi đi khắp các tuyến phố Hà Nội. Thanh thích thú với tour du lịch quanh thành phố. Điểm dừng chân cuối cùng trước khi cô gái này định trở lại nhà bác là hồ Hoàn Kiếm. Và tại đây Thanh đã có một cuộc gặp gỡ đầy duyên phận với những kẻ bụi đời.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Thanh nhớ là mình đã ngồi trên một chiếc ghế đá rất lâu để ngắm làn nước trong xanh và khung cảnh thơ mộng của hồ Hoàn Kiếm. Chưa khi nào Thanh cảm thấy tâm hồn mình được thảnh thơi và thanh thản đến thế. Đang phiêu với dòng cảm xúc của mình, chợt Thanh thấy có hai bạn nữ cùng chạc tuổi như Thanh tiến đến xin được ngồi chung ghế. Chỉ sau một cuộc trò chuyện ngắn ngủi mà Thanh và hai người đó tưởng như đã thân thiết từ lâu.

Họ kể cho nhau nghe những tâm tư tình cảm của mình. Thanh nói Thanh chán phải sống với người đàn ông cục súc mà Thanh phải gọi bằng bố. Thanh sợ những trận đòn ông ta dành cho Thanh mỗi ngày. Và hai người bạn kia cũng nói rằng vì chán cảnh gia đình không hòa thuận nên họ đã bỏ nhà đi bụi. Nếu Thanh muốn có thể đến sống cùng họ, cùng chia sẻ ngọt bùi, đắng cay với họ. Dường như chẳng mất một giây suy nghĩ, đắn đó, Thanh lập tức gật đầu. Kể từ giây phút ấy Thanh bước vào cuộc sống không nhà, không người thân. Hai người bạn mới ấy tỏ ra rất tử tế với Thanh. Ban ngày họ chơi cùng Thanh, chỉ đến khi đêm xuống họ mới đi làm.

Ban đầu Thanh tưởng hai người bạn của mình đi làm theo ca. Duy chỉ có một điều rất lạ là khi đi làm họ ăn mặc rất đẹp và rất hở hang. Đã nhiều lần Thanh hỏi họ đang làm nghề gì, họ chỉ cười và bảo nếu Thanh thích thì có thể đi làm cùng họ. Đương nhiên là Thanh thích rồi. Bởi Thanh hiểu mình không thể cứ mãi ăn bám họ được. Họ có tốt đến mấy cũng không thể cưu mang Thanh mãi. Và Thanh được đi làm. Nơi họ dẫn Thanh đến là dốc Bác Cổ.

Tư duy của một cô bé chưa tròn 15 tuổi lại từ quê mới ra nên cho đến tận giờ phút đó Thanh vẫn không thể hiểu nổi công việc mình sẽ làm là gì. Chỉ đến khi có mấy thanh niên đỗ xịch xe máy trước Thanh và hai người bạn hỏi giá và mặc cả thì Thanh mới vỡ lẽ. Thanh thật sự rất sốc.

Thanh muốn bỏ chạy nhưng hai người bạn ấy giữ Thanh lại. Họ bảo nếu Thanh muốn tồn tại ở đất Hà Nội này thì chỉ có làm nghề đó mà thôi. Chả hiểu sao trong thời khắc ấy, Thanh chợt nghĩ đến mẹ. Thanh ước giá như mẹ đừng bỏ đi và giá như ông ấy – bố của Thanh đừng đi tù về thì có lẽ giờ này Thanh đã không phải ở đây và Thanh đã không phải nhắm mắt làm cái nghề nhơ nhuốc này.

Hôm đó là lần đầu tiên Thanh tiếp khách. Bước chân vào nhà nghỉ với một người đàn ông xa lạ lại đáng tuổi bố mình, Thanh đã rất sợ hãi. Và nỗi sợ hãi thực sự đạt tới đỉnh điểm khi Thanh tận mắt nhìn thấy người đàn ông ấy khỏa thân. Cô bé mười lăm tuổi đã rất hốt hoảng, mắt nhắm nghiền, sau đó lấy cớ vào nhà vệ sinh rồi chuồn thẳng.

Thanh chạy như điên ra khỏi nhà nghỉ. Cả đêm hôm đó, Thang lang thang và khóc. Thanh không biết rồi cuộc đời mình sẽ về đâu. Và Thanh cũng không biết mình sẽ phải làm gì? Thanh không thể trở về quê và sống cùng một mái nhà với một người đàn ông luôn nghĩ cách hành hạ mình. Nhưng nếu ở đây Thanh sẽ phải dấn thân vào cái nghề mà người đời khinh bỉ. Bước chân đi trong đêm ngỡ như vô định. Vậy mà rồi đôi chân ấy vẫn dẫn Thanh trở về ngôi nhà trọ của hai người bạn mới quen. Khi ấy thì Thanh đã hiểu rằng có lẽ đây chính là con đường mà Thanh sẽ đi. Và Thanh chấp nhận bước chân vào nghề "bán phấn buôn hương" kể từ giây phút ấy.

Vì Thanh có thân hình của một người con gái mới lớn căng tràn sức sống nên khách chọn đi với Thanh rất đông và với giá khá cao. Việc kiếm tiền quá đơn giản đã khiến Thanh sa ngã vào những thú vui chết người. Không chỉ bay, chơi ke, chơi đá… Tiền kiếm được bao nhiêu Thanh đều đốt hết cho những thú chơi xa xỉ ấy.

Thanh đốt đời mình trong các thú vui và bán thân xác mình để nuôi những trò tiêu khiển ấy. Không giống như các bậc đàn chị tranh thủ kiếm tiền để có cái vốn làm ăn sau này, Thanh kiếm tiền chỉ để thỏa mãn những thú vui của mình. Cô gái này đã thực sự bị cuốn vào một thế giới ảo và quên mất mình là ai. Nhưng hành nghề chưa được bao lâu.

Thanh đã bị bắt và được đưa vào trung tâm giáo dục cải tạo lao động Ba Vì, Hà Nội. Những ngày tháng sống ở trung tâm, có những giây phút tĩnh lặng mà suy nghĩ, Thanh mới thấy tiếc những tháng ngày cắp sách tới trường. Thanh thấy thương mẹ của mình biết bao nhiêu. Mẹ Thanh đã cố gắng hết sức mình để gắng nuôi con ăn học. Vậy mà giờ này Thanh đã phụ công của mẹ. Thanh đã lạc chân vào một con đường u tối, không tương lai.

Thanh đoán giờ này chắc mẹ vẫn đang mải miết đi tìm em. Vừa sợ phải đối diện với mẹ nhưng em lại mong hơn bao giờ hết được mẹ lên thăm. Em đã quá sợ cái cảm giác không có người thân bên cạnh. Dù gì em cũng chỉ là một cô gái chưa đầy 15 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Em còn quá trẻ để làm lại từ đầu nếu em thực sự muốn thế.

Theo Cảnh sát toàn cầu

Theo Tổng hợp