Lập hàng rào điện lên đến 14.000 vôn, voi - người chung sống hòa bình

TP - Sau nhiều năm trì hoãn vì nhiều lý do, cuối cùng, “Kế hoạch khẩn trương bảo tồn voi hoang dã tới năm 2010 và kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 đề bảo tồn voi Việt Nam” của Chính phủ cũng được thực hiện ở Đồng Nai. Phần việc quan trọng nhất của dự án, hệ thống hàng rào điện nhằm tránh xung đột giữa người và voi, đã hoàn thành.

Chiếc xe bán tải 2 cầu của Hạt Kiểm lâm Định Quán chuyên đi đường rừng, cuối cùng cũng không thể vượt qua đoạn đường rừng lầy lội đi vào hướng đồi Đá Trắng thuộc rừng Cát Tiên (xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai)-nơi chúng tôi sẽ gặp hệ thống hàng rào điện đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam nhằm tránh xung đột giữa người và voi rừng.  

Sau vài lần cố nhấn ga, bánh xe trước cứ trượt ngang quay vù vù cày xới vũng bùn ngày càng sâu hơn, anh Nguyễn Văn Chiểu, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Định Quán quyết định bỏ xe lại. Cũng may, những người dân ở bìa rừng cho  chúng tôi mượn 2 chiếc xe máy để tiếp tục vượt chặng đường đầy những hố nước sình lầy trong mùa mưa. Qua hết những căn nhà dân nơi bìa rừng, vượt qua những trảng rừng trồng, những rẫy xoài quýt, thấy thấp thoáng hàng rào điện.

Hàng rào điện ngăn voi dữ.

Hàng rào điện

Hạt phó Chiểu dừng xe bên đường và căn dặn chúng tôi: “Trước khi đến hàng rào điện thì cũng phải lên chòi quan sát”. Cái chòi quan sát, một hạng mục trong dự án được dựng trên 4 trụ sắt cao 50m đứng sừng sững giữa rừng đảm bảo voi xô không ngã. Vượt hơn 100 bậc cầu thang sắt vã mồ hôi, chúng tôi cũng lên được điểm cao nhất. Phóng tầm mắt giữa chập chùng cánh rừng xanh ngắt của Khu bảo tồn Vĩnh Cửu tiếp giáp sang rừng Cát Tiên là khoảng đường băng xây dựng hàng rào điện ngăn voi rừng với khu vực dân cư sinh sống. Dù muộn, công trình cũng phần nào giúp người dân an tâm. Trước đây đã có 8 cá thể voi bị chết, một người mất mạng tử vong và vài người bị thương từ những lần xung đột giữa voi và người. Đó là chưa kể, tài sản, cây trồng của người dân bị hư hại do voi phá không tính xuể.

Rời chòi quan sát, chúng tôi đến khu hàng rào điện để mục sở thị công trình  của dự án khẩn cấp nhưng lại “đủng đỉnh” triển khai này. Hàng rào chống voi nhìn giản đơn, trụ rào là những cột bê tông cao hơn 2m làm giá đỡ cho 4 sợi dây cáp trần dẫn điện. Cứ vậy, hàng rào chạy dài 50km (30km cố định và 20km rào di động), nối từ xã Mã Đà, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đến xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) phân cách giữa khu vực dân cư với lãnh địa của đàn voi. Hàng rào có 19 cổng chính cho ô tô chạy qua và hơn trăm cổng phụ dành cho xe máy, nhằm giúp người dân ra vào nương rẫy canh tác và thu hoạch mùa màng.

Anh Phan Thanh Hùng, cán bộ kỹ thuật vận hành trạm phát, lưới điện, giải thích: cứ 5km hàng rào sẽ có 1 trạm phát điện dùng các tấm pin mặt trời tích điện vào các bình ắc-quy. Sau đó, thông qua bộ phát xung nâng điện thế lên trung bình từ 6-11 ngàn vôn rồi phát vào dây rào điện. Tuy nhiên, còn tùy vào địa hình, vùng đất khô hay ẩm ướt và có kim loại nằm lẫn trong đất hay không để đặt cường độ dòng điện cho phù hợp.

Hiện tại, trong quá trình thử nghiệm, nơi thấp nhất được đặt khoảng 4.500 vôn, còn nơi cao nhất khoảng 14.000 vôn. Thiết bị phát xung cấp xung điện cho dây thép hàng rào. Xung điện gây giật, choáng đối với động vật nhưng là gây sốc an toàn, không nguy hiểm đến tính mạng. Hướng dẫn về nguyên lý vận hành hàng rào điện, anh Hùng vẫn không quên cảnh báo: “Xem thôi, chứ đừng đụng vào, cỡ như voi còn bật văng ra”.

Cách đoạn vài mươi mét trên hàng rào điện treo tấm biển màu vàng vẽ hình voi và cảnh báo hàng rào điện, tất nhiên cảnh báo này không dành cho voi. Vậy mà, anh Hùng cho biết mới đưa vào vận hành thử đã bị mất cắp 5 cái bóng điện.

Chỉ cái bóng điện nhấp nháy trên hàng rào điện, anh Hùng cho hay: Đây là loại bóng chuyên dụng, lấy về cũng không sử dụng được vào việc gì. Nhưng tác động vào hàng rào điện là rất nguy hiểm. Bóng nhấp nháy báo hiệu cứ 3 giây là dòng điện tự động ngắt, rồi mở, vì vậy dòng điện phóng ra trên cả ngàn vôn, người và súc vật khi tiếp xúc vào sẽ bị giật văng ra.

Voi ngà lệch phá hoại mùa màng và từng quật chết người.

Mừng vì thêm voi

Anh Chiểu cho biết thời điểm trước tháng 7 năm nay voi ra phá hoa màu của người dân 17 lần. Từ khi đóng điện thử nghiệm hàng rào điện thì không còn tình trạng voi xâm nhập khu vực dân cư. Tuy nhiên, trong tháng 8, voi vượt qua hàng rào một lần, rồi đến tháng 9 voi lại một lần nữa vượt qua hàng rào.

Kiểm tra lại, một lần là do người dân ra vào cổng rào nhưng không đóng lại. Một lần khác, tại điểm hàng rào điện vượt qua ao nước, chỉ một mình con voi “ngà lệch” vượt ao chui qua hàng rào điện. Đơn vị thi công đã phải chỉnh sửa lại, kéo hàng rào vòng qua bờ ao. “Sau khi tuyên truyền, nhắc nhở người dân và điều chỉnh lại, không còn tình trạng voi rừng vượt rào điện qua khu dân cư nữa”- anh Chiểu nói.

Đơn vị kiểm lâm cũng ghi nhận việc voi tiếp xúc hàng rào điện và đã tránh ra xa hàng rào. Các nhân viên kiểm lâm cũng ghi lại hình ảnh voi “ngà lệch” đứng bên kia hàng rào điện há mồm rống vang rừng tỏ vẻ tức giận khi bị cản bước, không thể xâm nhập qua các vườn cây trái. Voi “ngà lệch” được xem là con voi đầu đàn “quái” nhất trong đàn voi rừng ở Đồng Nai, có “tiền án” quật chết một người ở xã Thanh Sơn.

Thường thì đêm đàn voi rừng ra khu vực dân cư kiếm ăn rồi rút về trong đêm, nhưng voi “ngà lệch” thì nhởn nhơ ở lại. Có lúc, nhân viên kiểm lâm đến gần chụp hình, “ngà lệch” “tạo mẫu” dậm chân thình thịch, cho chụp thoải mái. Nhưng nạn nhân bị “ngà lệch” quật chết ở Thanh Sơn lại chỉ vô tình phóng xe máy bất ngờ làm kinh động lão voi này.

Mở cho chúng tôi xem đoạn phim vừa quay về đàn voi khoảng 14 cá thể gồm voi đực, voi cái và  4 voi con ở bên cánh rừng gần khu vực hàng rào điện, anh Nguyễn Văn Mạnh, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên nói: “Thường thì đêm đàn voi mới di chuyển ra khu vực dân cư tìm hoa màu ăn. Hiếm khi ban ngày gặp được cả đàn voi ra như vậy”.

Dùng chiếc điện thoại quay cả đàn voi đi đứng ào ào như vậy, anh Mạnh kể, cũng phải nín thở lén mà quay chứ cũng sợ bị chúng phát hiện. Đối với các cán bộ kiểm lâm, các nhà khoa học thì đây là tín hiệu tốt về công tác bảo tồn voi, khi đàn voi có đủ cá thể bố, mẹ, có voi con ra đời. Anh Nguyễn Văn Chiểu cho biết:

“Trước đây chỉ dự đoán có voi con qua dấu chân, phân voi để lại, nhưng nay có thể xác định đàn voi rừng ở Đồng Nai có thêm ít nhất 4 cá thể voi từ 1 đến trên 2 năm tuổi”. Những năm qua khi xung đột giữa người và voi xảy ra ở Đồng Nai, trong khi dự án khẩn cấp bảo tồn voi còn nằm trên giấy, liên tục 8 con voi rừng chết, đa phần bị trúng độc. Nguyên nhân voi chết thì biết, nhưng thủ phạm thì không. Đã có lúc, người ta bàn tán: đến khi dự án triển khai thì có lẽ đàn voi không còn.

Tiến sĩ Trần Văn Mùi, Giám đốc khu bảo tồn Vĩnh Cửu, người nhiều năm trăn trở với dự án bảo tồn voi tỏ ra vui mừng trước dấu hiệu phát triển của đàn voi: “So với các đàn khác, đây là đàn voi rừng nội địa Việt Nam, khi vùng sinh cảnh của voi nằm trong phạm vi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu và rừng Cát Tiên ở Đồng Nai. Điều này cho thấy rừng được bảo tồn tốt, tạo vùng sinh cảnh cho đàn voi phát triển”.

Ông Vòng Minh Vũ không còn lo voi ra phá hoa màu.

Đứng bên hàng rào điện, ông Vòng Minh Vũ, người dân ở xã Thanh Sơn cho hay gia đình ông sinh sống ở đây đã hơn 20 năm. Gây vườn xoài, năm nào đàn voi cũng ra ăn, làm nông thấp thỏm hết lo thời tiết lại lo voi phá. Từ khi có hàng rào điện đến nay không còn tình trạng voi ra nữa, cũng đã yên tâm hơn. Voi ra, người dân lo một thì cán bộ kiểm lâm, chính quyền địa phương lo mười.

Cứ mỗi đêm báo động voi ra, đội “phản ứng bảo vệ voi” gồm cán bộ kiểm lâm, lâm trường, công an, dân phòng địa phương phải tức tốc có mặt để xử lý, vừa ngăn ngừa xung đột giữa voi và người vừa dùng biện pháp thích hợp để đuổi voi, bảo vệ tài sản, bảo vệ tính mạng người dân. Các cán bộ kiểm lâm nói vui: hàng rào điện hoạt động thì đội phản ứng bảo vệ voi coi như hết việc, không còn cái cảnh giữa đêm dân làng chạy rần rật, đốt lửa, phóng loa xua đuổi “ông bồ” như xưa nữa.

Tiến sĩ Trần Văn Mùi, Giám đốc khu bảo tồn Vĩnh Cửu, người nhiều năm trăn trở với dự án bảo tồn voi tỏ ra vui mừng trước dấu hiệu phát triển của đàn voi: “So với các đàn khác, đây là đàn voi rừng nội địa Việt Nam, khi vùng sinh cảnh của voi nằm trong phạm vi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu và rừng Cát Tiên ở Đồng Nai. Điều này cho thấy rừng được bảo tồn tốt, tạo vùng sinh cảnh cho đàn voi phát triển”.