Từ cầu Long Biên đi xuống bãi giữa sông Hồng, men theo con đường bê tông chừng hai cây số thấy thấp thoáng những túp lều dựng bên sông. Hỏi thăm xóm chài, một chị bán hàng nước ven đường chỉ dẫn: “Các anh cứ đến nhà ông Nguyễn Đăng Được, người được xóm chài phong là tổ trưởng dân phố. Ông là người hiểu rõ hơn hết về cuộc sống của người dân xóm chài này”.
Những phận đời chìm nổi
Ông Được sống trong một túp lều tạm bợ, quây bằng những tấm tôn cũ. Lúc chúng tôi đến, thấy túp lều vắng người nên đành gọi to. Một người đàn ông nhỏ bé, da rám nắng xuất hiện: “Tôi đang dở tay chăm sóc mấy gốc ổi ngoài vườn, các anh đến có việc gì vậy?” Sau khi biết mục đích của chúng tôi, ông Được nói: “Tôi là người đầu tiên sống ở xóm chài này. Ngày tôi mới đến, nơi đây hoang vu lắm, giờ thì đông hơn. Mỗi người ở xóm chài này đều là những phận đời cơ cực, chìm nổi trôi dạt về đây”.
Ông Được quê ở Thừa Thiên - Huế. Sau những biến cố cuộc đời, ông bỏ nhà ra Hà Nội từ hơn 40 năm trước. Ở Thủ đô, ông không người quen, không nhà cửa. Ban ngày, ông lang thang nhặt phế liệu kiếm sống. Tối đến, gầm cầu hay vỉa hè ven đường trở thành nơi ngả lưng qua đêm.
Buổi chiều, ông Được xuống sông Hồng tắm và biết đến bãi giữa dưới cầu Long Biên. Ông nảy ý tưởng, đến đêm sẽ về bãi giữa ngủ để không còn phải vạ vật trên vỉa hè. “Tôi làm một cái lều ở bãi giữa để ngủ qua đêm. Thời điểm đó, nơi đây chỉ có một mình tôi” - ông Được hồi tưởng.
Mấy năm sau, ông Được mua được chiếc thuyền cũ, rồi sinh sống trên con thuyền neo đậu ở bãi giữa sông Hồng. Sau đó, một số người lang thang gần cầu Long Biên cũng tìm đến bãi giữa để ngủ qua đêm. Đến năm 1993, xóm chài bãi giữa bắt đầu hình thành.
Bà Đào Thị Phương Nga, 63 tuổi, cũng là một thành viên lâu năm của xóm chài. Hơn 20 năm qua, cuộc đời bà cũng lênh đênh theo con thuyền đậu ở xóm chài bãi giữa. Trước kia, bà ở huyện Đông Anh (Hà Nội), còn chồng quê Bắc Ninh. Giống nhiều người khác ở xóm chài, vợ chồng bà trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, nên buộc phải rời nhà vào nội thành kiếm sống từ năm 1996, rồi ngụ cư ở xóm chài đến giờ. “Hằng ngày, tôi đi rửa bát thuê hoặc nhặt ve chai kiếm sống, còn chồng thì ra chợ Long Biên lao động tự do. Đến tối, cả nhà lại về túp lều dựng bên bờ sông để ngủ. Cuộc sống cực khổ lắm, hôm nào may mắn có nhiều việc thì cả nhà được bữa cơm no, ngày ít việc thì xin cơm thừa của các cửa hàng về ăn” - bà Nga tâm sự.
Ông Được cho biết, xóm chài hiện có 28 hộ với gần 100 nhân khẩu. Tất cả các gia đình đều sống trong những túp lều bên sông. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng đều giống nhau ở cảnh nghèo khổ, lâm bước đường cùng phải bỏ quê nhà lang bạt kiếm sống. Tiếng là sống ở xóm chài, nhưng nhiều năm qua họ không thể sống bằng nghề chài lưới vì cá tôm ven sông Hồng ngày một ít. Vì vậy, trong xóm chài, những người già như ông Được hay bà Nga thường đi nhặt ve chai, còn những người trẻ hơn đến các chợ trong thành phố làm bốc vác. Nỗi lo của người dân ở xóm chài hiện nay không chỉ là bữa ăn mà là tương lai của thế hệ con trẻ sau này…
Khó khăn khi rời khỏi xóm chài
Đến nay, không ít gia đình như ông Được, bà Nga đã trải qua 3 thế hệ sinh sống ở xóm chài. “Đời ông bà, rồi bố mẹ lang thang nhặt rác hay làm bốc vác thuê rất cực khổ nên không muốn con cháu sẽ như chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi tìm mọi cách cho các cháu được ăn học, để hy vọng có nghề nghiệp sau này” - ông Được tâm sự.
Không muốn các con đói chữ, hơn 10 năm trước, ông Được mở lớp học tạm dưới chân cầu Long Biên. Học sinh là con em trong xóm chài cùng với một số trẻ nhỏ sống lang thang quanh khu vực. Giáo viên là những sinh viên tình nguyện. Một thời gian sau, lớp học giải tán vì gặp một số khó khăn. Sau đó, một tổ chức phi chính phủ có tổ chức lớp học ngay trên thuyền. Nhưng khi trẻ đã đọc thông viết thạo, chúng phải học ở bậc cao hơn.
Nhưng khổ nỗi, nhiều người trong xóm chài này không có giấy tờ tùy thân. Có những cặp vợ chồng là người lang thang, yêu thương rồi về ở với nhau không có đăng ký kết hôn. Bởi vậy, trong giấy khai sinh, có trẻ phải ghi con ngoài giá thú, dù có cả cha mẹ. Thậm chí, có cháu vẫn chưa làm được giấy khai sinh dù đã 2 tuổi. “Nhiều cháu được học trái tuyến bên phường Phúc Xá, nhưng có cháu không có giấy tờ chứng minh hoàn cảnh khó khăn nên tiền học là gánh nặng với gia đình họ” - ông Được cho biết. Rồi ông chia sẻ thêm: “Theo dõi báo chí gần đây, tôi thấy có thông tin về quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Vậy là sớm muộn chúng tôi cũng sẽ phải ra đi. Nhưng chúng tôi xa quê đã nhiều năm, nhà cửa không còn, nay quay về rất khó. Mà ở lại cũng bấp bênh”.
Ước mong của người dân xóm chài là nếu có thể về quê hương, thì chính quyền địa phương tạo điều kiện để họ an cư, kiếm kế sinh nhai. Hoặc nếu được ở lại, cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ để họ có thể mua nhà xã hội giá rẻ, trả góp để ổn định cuộc sống. “Nếu làm như một số nơi khác, trợ giúp mỗi gia đình một khoản tiền, rồi yêu cầu lên bờ thuê nhà trọ thì chúng tôi vẫn lâm cảnh dân ngụ cư” - ông Được lo lắng.
Ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, cho biết, cuộc sống của những người dân xóm chài bên sông Hồng luôn là nỗi trăn trở lẫn khó khăn của chính quyền địa phương. Đối với việc học của trẻ em xóm chài, chính quyền có thể xác nhận hoàn cảnh khó khăn cho những trường hợp có giấy tờ tối thiểu để giảm học phí. Tuy nhiên, vì không ít người dân ở xóm chài không có giấy tờ tùy thân nên rất khó trong việc đảm bảo quyền lợi cho họ như người dân trong phường. “Nếu sau này người dân xóm chài phải chuyển đi, mong cấp trên có những chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp họ có thể ổn định cuộc sống, để thế hệ sau của họ có tương lai tốt hơn” - ông Văn nói.