Uỷ ban gồm chuyên gia từ nhiều công ty khác nhau, trong đó có các công ty kỹ thuật và công ty giám sát an toàn xây dựng.
“Trong chuyến thị sát mới đây đến hiện trường vụ vỡ đập, có thể thấy nguyên nhân chính gây ra sự cố đáng buồn là lượng mưa quá lớn, cộng với việc đập mới hoàn thành nên vẫn chưa thể vận hành trơn tru. Có thể đã có một vết nứt trên đập khiến nước chảy qua. Sau đó vết nứt ngày càng lớn khiến đập vỡ”, ông Khammany Inthirath nói.
“Về mặt kỹ thuật, một con đập mới hoàn thành cần thêm thời gian cho đến khi tích đủ nước và tất cả các phần của đập được liên kết với nhau hoàn toàn. Chỉ khi đó, đập mới có thể chống chịu được mực nước dâng cao.”
Ông Khammany cho biết thêm, một nguyên nhân khác có thể gây ra sự cố vỡ đập là do cấu trúc của đập không đủ khoẻ.
Dù vậy, nguyên nhân chính thức sẽ được công bố sau quá trình điều tra, và những người bị ảnh hưởng sẽ được đền bù thoả đáng.
“Ưu tiên hàng đầu lúc này là cứu trợ những người bị ảnh hưởng. Sau đó, kế hoạch dài hạn là tái thiết cuộc sống, xây dựng lại nhà cửa và một số công trình cần thiết khác”, Bộ trưởng nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 25/7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết chính phủ đã thành lập một ủy ban đặc biệt do Phó thủ tướng Sonexay Siphandone đứng đầu để đánh giá thiệt hại và tiến hành một cuộc điều tra để tìm ra nguyên nhân thực sự dẫn đến vỡ đập.
Người dân di tản khỏi khu vực ngập lụt do vỡ đập thuỷ điện. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ảnh: Tân Hoa Xã
Ảnh: Tân Hoa Xã
Trận lũ quét kinh hoàng sau sự cố vỡ đập thuỷ điện ở tỉnh Attapeu (Lào) ngày 23/7 đã khiến tổng cộng 7 ngôi làng chìm trong biển nước.
Lực lượng hỗ trợ từ Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác hiện đang phối hợp với chính quyền địa phương để tìm kiếm người mất tích.
Thảm hoạ vỡ đập đã khiến 3.060 người mất nhà cửa, 27 người thiệt mạng và 131 người mất tích.