Lao động tự do nhọc nhằn mưu sinh những ngày đầu năm

TPO - Những lao động tự do vốn dĩ công việc luôn bấp bênh, thu nhập không ổn định. Dịch bệnh khiến họ càng khó khăn hơn. Ngay từ những ngày đầu năm, tất cả đều chật vật, mưu sinh trong những nỗi niềm khắc khoải.

Ngay sau kì nghỉ Tết kéo dài, nhiều lao động tự do thất nghiệp từ các tỉnh kéo về Hà Nội để xin việc. Trước cổng KCN Bắc Thăng Long những tờ đơn tuyển dụng được dán kín các mặt bảng. Nhiều người lao động tự do cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết, họ đã tới đây rất sớm để tìm việc làm.

   
Một tài xế giao hàng của Ahamove cũng đến tìm việc mới, vì công việc hiện giờ không đủ sống
Anh Lê Công Định (25 tuổi, Hà Nam) cho biết, anh lên Hà Nội tìm việc từ ngày mồng 6 Tết, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được công việc phù hợp
Gắn bó với nghề chạy xe ôm công nghệ được hơn 2 năm, anh Đinh Ngọc Duy (27 tuổi, quê TP HCM) cho biết, chưa bao giờ cảm thấy khó khăn như thời điểm này.
 
Trước đây, mỗi ngày anh chạy xe khoảng 12 tiếng, với thu nhập khoảng 500.000 – 700.000 đồng/ngày. Từ sát Tết, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, mọi người hạn chế di chuyển nên thu nhập giảm rõ rệt. Nhiều hôm chạy còn không đủ tiền xăng xe. Như hôm nay, anh chạy từ 7h sáng tới 11h trưa, nhưng mới chỉ được 2 chuyến là 39.000 đồng.
"Từ đầu tháng, chủ nhà đã mấy lần hỏi tiền phòng trọ, nhưng anh liên tục xin khất, bao nhiêu khoản chi tiêu sinh hoạt cho gia đình, giờ chưa biết trông chờ vào đâu. Sắp tới, có lẽ tôi phải kiếm công việc mới", anh Duy ngậm ngùi nói. 
Nhiều tài xế ngồi chờ, nằm cả buổi, nhưng không có cuốc chạy nào. 

Cùng chung tình trạng, trên các tuyến phố cổ nhiều xe xích lô cũng nằm dài ròng rã nhiều tháng nay. Ông Nguyễn Văn Mạnh (57 tuổi) có nghề chở xích lô hơn 20 năm tại Phố Cổ chia sẻ, từ ngày dịch bùng phát, gia đình ông phải sống trong tình trạng “chạy ăn từng bữa”.

“Suốt cả năm ngoái, khách nước ngoài vắng hoe, tôi phải nghỉ ròng rã mấy tháng trời. Ở nhà quanh quẩn không biết làm gì kiếm ra tiền, xót hết cả ruột. Có đợt, tôi tính bán xe, để chuyển việc khác. Nhưng nghĩ mình tuổi cao, giờ nghỉ biết làm gì đây”, ông Mạnh nói.
Là lao động chính trong gia đình, giờ ông đành phải trông cậy vào đồng lương ít ỏi từ người vợ làm tạp vụ tại các cửa hàng để chu cấp cho cả gia đình.

“Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt tôi và những đồng nghiệp thường tới số 5 Bảo Khánh để ăn cơm. Tại đó người ta phát cơm miễn phí cho người lao động nghèo. Cơm rất ngon và còn phát cả khẩu trang mỗi người 1 cái khi tới” ông Mạnh tâm sự.

Tại chân cầu vượt Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) những lao động tự do từ các tỉnh, thành cũng đổ về tìm việc. Công việc ở quê ảm đạm, tất cả đều mong lên thành phố để kiếm được đôi đồng, nhưng giờ đây chờ đợi cả ngày mà rất ít người hỏi thuê.