Lao động di cư sẽ là 'chìa khóa' giải quyết vấn đề thiếu nhân lực

TPO - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, lao động di cư sẽ là "chìa khóa" để giải quyết những vấn đề thiếu nhân lực bởi già hóa dân số và nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tại các nước ASEAN thời gian tới.

Sáng 8/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 17 được tổ chức tại Lào ngày 13-14/11 với chủ đề “Công việc chăm sóc và di cư lao động ở ASEAN”.

Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 17.

Phát biểu tại hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, theo thống kê, tỷ lệ người cao tuổi trong ASEAN dự kiến sẽ tăng lên 15,4% vào năm 2030 và tất cả các quốc gia thành viên ASEAN sẽ gia nhập nhóm dân số đang già hóa hoặc dân số già vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến những vấn đề như thiếu hụt lao động và tăng nhu cầu công việc chăm sóc.

Nhấn mạnh bài học từ các quốc gia đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế khẳng định, ngoài việc tăng tuổi nghỉ hưu và thu hút người cao tuổi quay trở lại thị trường lao động, lao động di cư cũng sẽ là "chìa khóa" để giải quyết những vấn đề thiếu hụt lao động bởi già hóa dân số và nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.

Để chuẩn bị tốt cho sự tham gia của Việt Nam tại AFML lần thứ 17 sẽ diễn ra vào tuần tới, Bà Hà Thị Minh Đức đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo tích cực thảo luận, đặc biệt đóng góp ý kiến, khuyến nghị quốc gia để tổng hợp vào tham luận của Việt Nam tại AFML 17 tới.

Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các hoạt động quốc gia trong việc thực hiện khuyến nghị của Diễn đàn AFML lần thứ 16 diễn ra vào năm 2023, đồng thời cập nhật tình hình lao động trong nước và lao động đi làm việc ở nước ngoài, đánh giá chung về các doanh nghiệp cũng như định hướng về bảo vệ lao động trong tương lai.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho AFML lần thứ 17, hội thảo đã có phiên chia nhóm thảo luận tập trung vào 2 nội dung chính.

Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu chăm sóc thông qua di cư lao động: Tập trung đánh giá tình hình và cấu trúc dân số của các quốc gia thành viên ASEAN, vấn đề già hóa dân số của các quốc gia phát triển trong khu vực để từ đó nhận định được những thách thức và cơ hội về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ mang tới.

Thứ hai, tăng cường bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư và làm việc liên quan lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: Trao đổi về vai trò của người lao động di cư trong việc giải quyết thiếu hụt lao động do những biến đổi về cấu trúc nhân khẩu học...

Trên cơ sở kết quả thảo luận, các đại biểu đã thống nhất đưa ra một khuyến nghị chung của Việt Nam để gửi đến AFML lần thứ 17 xem xét.