Lãnh đạo thành phố Hà Nội gọi điện kiểm tra cơ sở trực COVID-19 dịp Tết

TPO - “Trong các ngày trực Tết, lãnh đạo thành phố sẽ gọi điện đến cơ sở, các tổ y tế lưu động để kiểm tra. Từ ngày mai phải có đầy đủ danh sách, các đơn vị phải luôn sẵn sàng”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu.

Sáng 27/1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì phiên họp giao ban Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tuần qua (từ ngày 19/1 đến 25/1), trung bình thành phố ghi nhận 2.902 ca/ngày. Số ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt, song dự báo tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm "giả tạo" do người dân về quê đón Tết và sẽ tăng trở lại sau Tết. Công tác phòng, chống dịch vẫn được tổ chức quyết liệt. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Theo đại diện Sở Y tế, Hà Nội đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch COVID-19. Thành phố đã ghi nhận 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có 1 trường hợp tại cộng đồng, nguy cơ phát tán ra cộng đồng là hoàn toàn có thể, do đó, cần tiếp tục theo dõi sát và áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm chặt đối với các chuỗi lây nhiễm biến chủng này.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, các ca mắc vẫn tăng cao, trong đó số ca mắc cộng đồng chiếm khoảng 30%. Nhận định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc tại thành phố sẽ tăng cao hơn nữa do giao lưu, giao thương của người dân dịp này lớn, ngành Y tế đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch, trong đó bảo đảm được mục tiêu là giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tầng, chuyển nặng và tử vong.

“Ngành Y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ lễ, Tết để phục vụ người dân trong công tác xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng...”, bà Hà nói, đồng thời đề nghị các địa phương bảo đảm tỷ lệ an toàn là mức 95% bệnh nhân điều trị tại nhà; chỉ khoảng 5% điều trị tại cơ sở y tế.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh lưu ý, việc giải ngân chính sách hỗ trợ ở một số quận, huyện làm tốt, nhưng cấp thành phố vẫn còn thấp.

“Ngay ngày mai, các cấp từ thành phố tới địa phương phải khẩn trương triển khai, bảo đảm tiền hỗ trợ đến với tuyến đầu kịp thời trước Tết”, ông Chu Ngọc Anh nêu.

Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai những ngày tới. Trong đó, cần liên tục cập nhật số liệu về tiêm “vét” vắc xin phòng COVID-19, người cao tuổi chưa tiêm, người từ chối tiêm, số liệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi để chuẩn bị tiêm; đồng thời, rà soát bổ sung lực lượng phòng, chống dịch dịp Tết.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn phải cập nhật lịch trực từng cơ sở, từng tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế với số điện thoại, đường dây nóng để báo cáo thành phố.

“Trong các ngày trực Tết, lãnh đạo thành phố sẽ gọi điện đến cơ sở, các tổ y tế lưu động để kiểm tra. Từ ngày mai phải có đầy đủ danh sách, các đơn vị phải luôn sẵn sàng”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh từ lớp 7 trở lên quay trở lại trường từ ngày 8/2 tới, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án để bảo đảm tuyệt đối an toàn. Các địa phương cần chủ động kịch bản cụ thể, có lộ trình để sẵn sàng cho học sinh, sinh viên quay lại trường; kiểm soát, hạn chế việc tập trung đông người, thực hiện quy định “5K” thực chất.