Dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, điểm môn Ngữ văn của học sinh Trà Vinh đạt điểm trung bình 8,1 điểm, tăng 1,77 điểm so với năm trước và cao hơn bình quân cả nước 0,87 điểm. Kết quả này đưa Trà Vinh tăng từ hạng 51 năm ngoái lên thứ 2 cả nước năm nay về điểm thi Văn (sau Ninh Bình).
Nói về công tác coi và chấm thi năm nay, TS. Nguyễn Thị Bạch Vân – Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh cho biết, việc tổ chức coi thi, chấm thi… được thực hiện đúng quy chế, nghiêm quy định và chuẩn quy trình. "Đề thi Văn năm nay theo hướng mở, nằm trong nội dung ôn tập của tỉnh, đề tài gần gũi với nhận thức và tình cảm của học sinh nên các em tự tin và thể hiện khá tốt bài làm, đạt kết quả cao", bà Vân nói. Cũng theo bà Vân, ngành giáo dục chú trọng vào đánh giá quá trình hơn đánh giá tổng kết. Bối cảnh, đối tượng dạy và học, mặt bằng giáo dục chung của mỗi địa phương, mỗi năm không giống nhau.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh cũng dẫn hàng loạt giải pháp cải tiến dạy và học đã áp dụng, đặc biệt với môn Văn, nhờ đó có được kết quả cao như kỳ thi năm nay.
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã tiến hành hàng loạt giải pháp, từng giáo viên cam kết chất lượng bộ môn với hiệu trưởng, lãnh đạo trường cam kết với sở, và sở đưa vào tiêu chí thi đua năm học.
Nhiều hoạt động được tổ chức như trao đổi thi đua cụm, viết cam kết nâng cao chất lượng, tổ chức hội thảo khoa học môn Văn cấp tỉnh; sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn chéo giữa các điểm trường có sự hướng dẫn của Hội đồng bộ môn Văn cấp tỉnh.
Hội đồng bộ môn Văn tổ chức sinh hoạt chuyên môn như hội giảng, báo cáo chuyên đề, tích hợp với đổi mới phương pháp dạy học. Môn Văn được đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng đề thi tham khảo của các năm gần nhất. Đến khi có đề thi tham khảo năm 2024, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường quán triệt và tập trung ôn tập sát, sâu theo định hướng.
Ngoài giờ học chính khóa, theo bà Vân, các nhà trường tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém. Cụ thế, giáo viên cho các em thực hành làm bài với các đề thi thử, chấm, sửa bài, rút kinh nghiệm rồi yêu cầu các em làm đi làm lại cho đến khi nắm vững vấn đề, bài đạt yêu cầu giáo viên mới hướng dẫn nội dung tiếp theo.
Với hướng dạy học phân hóa đối tượng học sinh, bà Vân cho rằng, các học sinh có điều kiện thực hành kỹ năng làm bài, giáo viên chấm và trả bài, rút kinh nghiệm cho học sinh. Học sinh chủ động học, ôn tập kỹ các nội dung kiến thức, kỹ năng, không bỏ sót kiến thức... Quá trình này được thực hiện mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi học kỳ và đều có tổng kết rút kinh nghiệm, vì thế học sinh đã quen với cấu trúc đề và cách làm bài thi.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Trà Vinh đạt gần 99,9% (có 9.337/9.348 thí sinh đỗ tốt nghiệp), tăng 0,8% so với năm học trước. Điểm bình quân các môn thi đạt hơn 6,6 điểm/môn/em, tăng 0,5% so với năm trước. Có 95 bài thi đạt điểm 10 (6 bài môn Hóa; 6 bài môn Sử; 15 bài môn Giáo dục công dân; 4 bài môn Địa và 64 bài môn Tiếng Anh).
Hầu hết điểm trung bình các môn thi của học sinh Trà Vinh đều tăng so với năm 2023, cao nhất môn Văn đạt 8,1 điểm, tiếp đến Giáo dục công dân (7,99 điểm), Địa (7 điểm), Sinh (6,59 điểm), Hóa (6,45 điểm)…