Lãnh đạo đối lập Nga xuất viện ở Đức, bị phong tỏa tài sản trong nước

TPO - Lãnh đạo phe đối lập tại Nga Alexei Navalny đã bị phong tỏa tài sản trong nước trong thời điểm chính trị gia này đang dần hồi phục sau nghi ngờ bị đầu độc và được một bệnh viện ở thủ đô Berlin (Đức) cho xuất viện.
Bức ảnh được đăng tải trên trang Instagram cá nhân của ông Navalny sau khi xuất viện. Ảnh: Getty Images.

Trong một video được đăng tải lên mạng xã hội Twitter mới đây, người phát ngôn của ông Navalny là bà Kira Yarmysh cho biết các tài sản trong nước của lãnh đạo đối lập Nga bao gồm tài khoản ngân hàng và một căn hộ ở thủ đô Moscow đã bị phong tỏa từ ngày 27/8 do liên quan đến vụ kiện với Moscow Schoolchild, một công ty cung cấp suất ăn tại Nga.

Trong phán quyết về vụ kiện này vào tháng 10 năm ngoái, một tòa án tại Nga đã yêu cầu ông Navalny cùng đồng minh Lyubov Sobol và Tổ chức chống tham nhũng (FBK) của mình phải xóa đoạn video đặt nghi vấn về vấn đề an toàn thực phẩm của công ty Moscow Schoolchild, đồng thời bồi thường 1,4 triệu USD (hơn 320 tỷ Đồng) cho công ty này vì làm ảnh hưởng đến uy tín trên thị trường của họ.

 Bà Yarmysh cũng cho biết thêm trong ngày hôm qua (24/9), phía Tòa án Nga đã tiến hành truy thu 88 triệu Rúp (khoảng 1,1 triệu USD) từ phía ông Navalny, Sobol cùng tổ chức FBK với lý do “đây là ước tính khoản lợi nhuận bị thất thu của công ty Moscow Schoolchild do mất hàng loạt hợp đồng cung cấp suất ăn”, bên cạnh đó căn hộ của ông Navalny ở thủ đô Moscow hiện “không thể bán, thế chấp hoặc ủng hộ” do đã bị tịch thu.

Hiện giới truyền thông thế giới chưa thể liên lạc được với tòa án Nga xét xử vụ kiện nói trên, cùng với đó là đại diện của công ty Moscow Schoolchild để tìm hiểu thêm thông tin mặc dù hãng Reuters đã gọi đến 9 số điện thoại được cho là của công ty này.

Hình ảnh ông Navalny khi được điều trị tại một bệnh viện ở Đức. Ảnh: ABC.

Trước đó, lãnh đạo phe đối lập Nga đã di chuyển bằng máy bay từ Nga đến Đức vào tháng trước sau khi bị ốm trên một chuyến bay nội địa ở Siberia và các mẫu xét nghiệm từ Đức, Pháp và Thụy Điển ở thời điểm đó cho thấy ông Navalny đã bị đầu độc bằng một loại chất độc thần kinh (nghi là Novichok).

Giới chức phương Tây sau đó đã yêu cầu điện Kremlin giải thích nhưng phía Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến sự việc này.

Theo The Guardian