> Gian nan chống tái trồng anh túc
Năm 2003, theo quyết định thành lập Tổng đội TNXP 8 của tỉnh Nghệ An, bốn thanh niên gồm Nguyễn Hồ Lâm, Uý, Khánh và Trụ khăn gói lên vùng đất hoang vu này lập nghiệp.
Hành trang họ mang theo trên chuyến xe vào Huồi Tụ là bốn chiếc ba lô chứa đầy mỳ tôm, lương khô và niềm trăn trở làm thế nào để sớm ổn định cuộc sống, giúp đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú cải thiện cuộc sống.
Bốn thanh niên mất cả tháng khảo sát địa hình, tham khảo mô hình trồng các loại cây thích hợp với vùng đất khắc nghiệt này.
Sau thời gian nghiên cứu, các anh đã phát hiện ra vùng đồi núi này có thể trồng được giống chè tuyết san nên vận động, hướng dẫn đồng bào từ bỏ cây anh túc cùng trồng chè.
Để dựng làng, Tổng đội TNXP 8 hỗ trợ tấm lợp, làm đường giao thông, san ủi mặt bằng, vận chuyển vật liệu, còn gỗ tự túc. Những căn nhà dần mọc lên.
Lúc đầu làng chỉ vỏn vẹn có 12 người, nay toàn tổng đội có 45 đội viên và 25 hộ. Hầu hết những cặp vợ chồng trẻ đều là con em đồng bào Mông được tổng đội mời về sinh sống, lập nghiệp.
Không thể kể hết khó khăn vất vả của những người đầu tiên đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đường vào Huồi Tụ gập ghềnh, xe chỉ đi được một chiều, nhìn đâu cũng chỉ thấy núi đồi.
Nơi đây, ngày xưa bà con chủ yếu sống dựa vào cây thuốc phiện. Khi anh em đi vận động bà con trồng chè để phát triển kinh tế rất khó khăn bởi họ chưa biết đến cây chè là cây gì, đi đến đâu cũng hỏi “Chè có ăn được không?”.
Đứng trên đỉnh đồi cao nhất của xã Huồi Tụ, anh Hoàng Liên Sơn, một đội viên chỉ tay ra bốn phía bạt ngàn núi rừng cho biết: Trước đây vùng núi này tím ngút ngàn màu hoa anh túc (thuốc phiện), nay biến thành dải đất trù phú, từ Phà Đánh đến Huồi Tụ đều một màu chè xanh.
Hầu hết anh chị em miền xuôi lên với Huồi Tụ chỉ về thăm nhà được một lần mỗi năm. Anh Nguyễn Văn Hồng, đội viên đội chế biến chè (quê ở xã Xuân Hòa, Nam Đàn) tâm sự: Tốt nghiệp cấp 3, mình tình nguyện lên với núi rừng, tính đến nay đã được 3 năm. Ngày mới đặt chân tới Huồi Tụ, nhìn bốn phía đều núi rừng, mình có cảm giác rờn rợn, nhưng sống mãi rồi cũng quen và gắn bó không xa được nữa.
Vương Duy Bách (SN 1990, quê xã Hồng Thành, Yên Thành) là một trong những đội viên trẻ nhất của tổng đội, chia sẻ: “Thời gian đầu em khóc suốt vì đường vào bản làng kinh khủng quá, nhìn lên thấy núi, nhìn xuống thấy vực thẳm, quê nhà thì xa tít tắp. Rồi cũng dần quen”.
Với sức trẻ và nhiệt huyết, các chàng trai đưa nhiều tiến bộ khoa học về cho đồng bào Mông , Khơ Mú… áp dụng trong sản xuất và tạo công ăn việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số.
Đến nay tổng đội đã trồng được hơn 350 ha chè tuyết san cho thu hoạch với hàng chục tấn chè búp mỗi năm. Ngoài ra, tổng đội còn trồng được hàng chục nghìn cây hoa ly, cùng nhiều loại cây ăn quả và chăn nuôi gia súc.
Tổng đội đã lắp đặt dây chuyền sản xuất chế biến chè với công suất hơn 2 tấn/ ngày để xuất khẩu. Đời sống anh em trong tổng đội cũng như Làng thanh niên ngày một đổi mới đi lên, nhiều hộ gia đình có thu nhập 30 triệu đồng/năm như hộ anh Dềnh Dua Chò (bản Huồi Khả), Và Chống Chớ (bản Huồi Đun)…
Anh Nguyễn Hữu Trạch, Quyền chỉ huy trưởng Tổng đội TNXP8, cho biết: “Nhiệm vụ của anh em Tổng đội TNXP8 là truyền đạt tiến bộ của khoa học, tạo công ăn việc làm cho cho đồng bào dân tộc thiểu số. Làng thanh niên ra đời còn góp phần giữ vững bình yên cho vùng biên cương Tổ quốc”.