Theo báo cáo của Ban quản lý kinh tế cửa khẩu (QLKTCK) Đồng Đăng-Lạng Sơn, ngày 15/4 trên địa bàn còn tồn 2.380 xe, trong đó cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị tồn nhiều nhất, lần lượt là 835 và 767 xe. Ban QLKTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn làm đầu mối tăng cường trao đổi với các cơ quan chức năng Trung Quốc, như đề nghị tăng thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa từ 7 giờ sáng đến 19 giờ 30 (giờ Hà Nội), thay vì 5 tiếng như hiện nay. Phía bạn cho xe sang bãi của Lạng Sơn chuyển tải hàng hóa và cho phép đội ngũ bốc vác của ta qua Trung Quốc bốc xếp hàng hóa, vì người dân bên đó vẫn đang nghỉ việc do lo sợ và phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban QLCK Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết, các ngành chức năng địa phương đã làm việc với ngành hữu trách Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) về đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo tuyến đường sắt quốc tế ga Đồng Đăng (Việt Nam) - Nam Ninh (Trung Quốc). “Phía bạn ghi nhận, song chưa thống nhất và chưa trả lời đồng ý với những đề nghị của Lạng Sơn. Chúng tôi vẫn đang ngóng chờ kết quả từ phía Trung Quốc”, ông nói.
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã chủ động báo cáo, đề xuất một số giải pháp với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tổ chức điện đàm, trao đổi thư công tác với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu lên 20%. Cùng đó, tỉnh đã thông báo để các đơn vị liên quan phối hợp điều tiết giảm hoặc hạn chế đưa hàng xuất khẩu lên các cửa khẩu ở Lạng Sơn trong thời điểm này. Sở Công Thương Lạng Sơn khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hóa, tính toán phương án vận chuyển hàng lên cửa khẩu, xuất nhập hàng hóa hợp lý để hạn chế thiệt hại.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Việc thành lập đội lái xe chuyên trách, trong đó đa số lái xe là người tỉnh Lạng Sơn theo đề nghị của phía Trung Quốc khiến các doanh nghiệp phải đóng phí thuê lái xe. Gần đây, Lạng Sơn thỏa thuận với phía bạn bổ sung lái xe các tỉnh thành khác của Việt Nam (trừ 5 địa phương có tình hình dịch COVID-19 phức tạp) vào đội lái xe chuyên trách. Tuy nhiên, việc làm thủ tục và thống nhất danh sách lái xe với Trung Quốc mất rất nhiều thời gian. “Từ ngày 7/4 đến nay, mỗi chuyến hàng, chúng tôi phải chi mất khoảng 15 triệu đồng/xe với đủ các loại chi phí, trong đó nặng nhất là phí thuê lái xe qua cửa khẩu chiếm hơn một nửa số tiền vừa nêu”, bà Kim Dung, một doanh nhân chuyên buôn bán hoa quả qua biên giới Việt-Trung, nói.
Theo bà Dung, do việc ùn ứ dài ngày ở cửa khẩu Lạng Sơn, lại gặp mưa nắng thất thường nên khi mang hàng sang Trung Quốc thì hoa quả trong nhiều xe đã xuống mã, hư hỏng. Hôm 15/4, bà có một xe chuối dỡ hàng tại bãi Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) nhưng chuối giập nát gần hết, buộc phải đưa hàng quay đầu về Việt Nam. “Ngày nào cũng có vài xe hoa quả hỏng, nhất là các loại chín nhanh như chuối, sầu riêng, dưa hấu. Hôm qua, tôi bị hỏng một xe container mít trên 30 tấn. Họ không cho đổ xuống sân bãi ở Trung Quốc vì sợ ô nhiễm môi trường, bệnh tật. Như vậy, cả tiền hàng, thuê lái xe, “cửu vạn” bốc vác, chuyến này tôi cầm chắc lỗ 50 triệu đồng”, ông Hoài Thương, chủ hàng, nói với phòng viên Tiền Phong.
Gần đây, UBND tỉnh Lạng Sơn có công điện gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất tạm thời dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) trong 15 ngày, kể từ 16/4.