Ông Nguyễn Văn Vinh tâm sự:
“Khi đang còn có điện, nhà tôi có một trang trại chăn nuôi kha khá. Mỗi lứa nuôi 50-60 con heo. Lại thêm một ao cá mỗi năm cũng cho thu nhập mươi triệu. Mất điện, tất cả bỏ hoang. Muốn xoay sang nghề khác, tôi đi vay ngân hàng khu vực Cửa Tùng thì bị từ chối vì lí do, nhà không có điện thì khó có đủ khả năng thanh toán.
Mất điện thì mất luôn nước sinh hoạt (trước đây dùng giếng khoan bơm điện). Muốn có nước dùng thì phải thuê máy nổ (theo hợp đồng một ngày trả 250 ngàn đồng). Tưởng họ cắt điện vài hôm thôi, ai ngờ đến nay đã 17 tháng”.
Ông Nguyễn Văn Vinh điềm tĩnh kể tiếp về gia cảnh của mình: “Tôi có hai con. Con trai đầu đang theo học CĐ kế toán tại Đông Hà hệ mở rộng. Con trai thứ hai đang tại ngũ, đang học ở Hà Tây.
Con trai đầu (Nguyễn Văn Quang) đi học khổ lắm, tối đi học, ngày đi làm thuê cùng mẹ (bà Hoàng Thị Lan) ở Trung Hải. Trước đây, khi chưa đứng đơn tố cáo, gia đình tôi có mở quán nhậu, cà phê, thu nhập cũng khá. Nhưng từ ngày bị cắt điện (16/2/2008) đến nay buộc phải bỏ”.
Quán cà phê không khách
Gia cảnh ông Ngô Minh Phiện cũng chẳng khá hơn. Ông có hai con, một trai, một gái. Đứa đầu đang học năm cuối Đại học KHXH&NV TPHCM, con gái thứ học năm đầu trường Đại học Kinh tế ở TPHCM. Nguồn chu cấp cho con ăn học chủ yếu dựa vào quán cà phê Dạ Thảo.
Nhưng sau khi ông Phiện đứng đơn tố cáo, việc buôn bán cà phê bị hạn chế do luôn bị một số phần tử quá khích ném đá vào nhà, vào quán. Đêm, những kẻ quá khích đến lớn tiếng dọa đuổi ông Phiện về quê (Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), không cho ở làng Liêm Công Đông nữa, nếu còn ở sẽ chết. Và rồi anh cùng cha khác mẹ của ông Nguyễn Thuận Cử, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thành, là Nguyễn Thuận Tuyển vô cớ xông vào nhà đánh chảy máu mồm ông Phiện...
Ông Phiện buồn bã: “Chẳng có ai dám đến uống cà phê nữa. Họ sợ liên lụy. Vợ tôi thì họ bắt viết kiểm điểm vì có chồng đi kiện. Bà ấy không viết và rồi họ không tín nhiệm để bà ấy làm chủ tịch hội phụ nữ xã nữa. Nguồn thu nhập lương 800 ngàn đồng/tháng của bà ấy giờ cũng không còn.
Trong bốn nông dân đấu tranh chống tham nhũng ở Vĩnh Thành, ông Nguyễn Thuận Trưởng là nguời có nhiều chức hơn cả. Hiện ông là Trưởng Ban Kiểm soát HTX Liêm Công Đông, Chi hội trưởng Nông dân Liêm Công Đông. Phụ cấp mỗi tháng 270 ngàn đồng (Hội Nông dân 50 ngàn, Ban Kiểm soát 220 ngàn đồng).
Ba con nhỏ đang ăn học, trước đây ông Trưởng mở quán ăn, bán được, có đồng vào đồng ra. Sau khi xảy việc tố cáo tham nhũng, việc buôn bán rất khó khăn vì có kẻ dọa ai đến quán ông Trưởng sẽ gánh hậu quả.
Ông Trưởng kể: “Nhiều đêm về sáng, điện thoại nhà réo vang, nhấc máy lên, lúc thì nghe tiếng chửi, lúc thì nghe đọc kinh. Điện thoại di động thì nhận nhiều tin nhắn khủng bố. Tôi có tờ trình gửi Công an Huyện Vĩnh Linh nhưng chưa được giải quyết”.
Rồi ông Trưởng bảo, chúng nó vào nhà tôi lấy trộm đồ cứ như vào nhà hoang. Ngang nhiên chạy xe máy vào sân ba đêm bắt ba con ngỗng. Thôi thà mất của, chứ ló đầu ra không khéo mất mạng.
Gia đình ông Lê Văn Lương khá giả hơn cả và chịu ít áp lực nhất vì, theo ông Lương, khó mà đánh vào kinh tế nhà ông được. Vợ chồng ông có hai con. Con đầu đang làm việc ở Biên Hòa, Đồng Nai, con trai thứ hai chuẩn bị vào lớp 12. Nhà ông thuộc diện trung lưu trong làng.
Ông Lương bảo: “Tôi có vườn cao su tiểu điền. Vợ tôi có lò mổ lợn, bò. Đánh sập hay phá kinh tế của tôi lúc này là khó".
Xấu hổ và đắng họng
Sáng 4/7, chúng tôi tìm về lại Vĩnh Thành, xã anh hùng gối bên cầu Hiền Lương của con sông giới tuyến Bến Hải nổi tiếng thời nào. Xứ gió Lào, cát trắng hầm hập nắng rang. Ngoài cái nắng nóng của đất trời, Vĩnh Thành như nóng hơn sau vụ ông Vinh bị đánh phải nhập viện ngày 26/6.
Tiếp xúc với dân và một số vị đại diện cho những tổ chức đoàn thể ở thôn (Vĩnh Thành có năm thôn là Hiền Lương, Tân Trại, Liêm Công Phường, Liêm Công Tây, Liêm Công Đông), chúng tôi được nghe họ giãi bày nỗi bất bình, phẫn nộ với những tiêu cực xảy ra ở xã này và những hành động trả thù đối với những người dám đấu tranh chống cái xấu đang diễn ra. Nhưng tất thảy họ đều giơ tay che mặt yêu cầu nhà báo không được chụp ảnh, ghi âm, quay phim lời nói, hình ảnh của họ.
Nơi đây từng xảy ra tình trạng khi có người dám nói lên nỗi lòng của mình với báo chí thì vườn cây hồ tiêu, cao su tiểu điền đang thì hái ra tiền của họ bỗng dưng bị chặt ngang gốc. Nhiều người hẳn chưa quên chuyện ông Nguyễn Thuận Bông bức bối chạy lên xã báo cáo chuyện ông đang đọc bài báo của nhà báo Nguyễn Hoàn viết những tiêu cực xảy ở xã Vĩnh Thành đăng trên báo Quảng Trị, thì ông Nguyễn Thuận Cử, Phó Chủ tịch UBND xã đến dọa không cho đọc báo...
Tuy nhiên, vẫn còn không ít công dân ở Vĩnh Thành không chịu được sự nhiễu nhương phi lý ấy. Và họ lên tiếng:
Ông Trần Văn Việt (thương binh 2/4): “Sự việc phi lý ấy là không thể chấp nhận được.Tại sao giữa thời buổi dân chủ văn minh mà lại có chuyện trái khoái, hành hung thế được”.
Ông Nguyễn Đức Hoà (nguyên cán bộ Cty Thương nghiệp Huyện Vĩnh Linh):
“Tôi hay đi làm ăn xa, nhưng mỗi lần về quê nghe chuyện một số cán bộ xã làm trái, lộng hành ức hiếp người dân mà cụ thể là bốn anh Trưởng, Vinh, Phiện, Lương thì phẫn nộ lắm. Xấu hổ và đắng họng nhất là khi những người bạn của tôi, qua báo chí, đã điện thoại cho tôi và phàn nàn Sao ở Vĩnh Thành của ông, ở thế kỷ 21 này lại có chuyện cán bộ xã chi lạ rứa.
Ông Lê Quỳnh, 89 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, nguyên cán bộ xã Vĩnh Thành bức xúc: “Tôi già rồi, không đi đâu xa, nhưng qua xem ti vi, đọc các báo, nhất là báo Tiền Phong, quả thực vô cùng đau lòng. Chuyện rành rành như thế mà xử lý cán bộ không đến đầu đến đũa nên dẫn đến hệ quả xấu. Người chống cái sai, chống sự bất công thì gia đình họ gánh đủ mọi chuyện hệ lụy”.