Là những nhiếp ảnh gia từng đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, Hoài Linh trưng bày những bức ảnh đặc tả nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, còn Lý Hoàng Long giới thiệu 7 bức ảnh những gánh hàng rong đời thường ở chợ Đà Lạt.
Bị cuốn hút bởi nét đẹp đời thường và văn hóa ứng xử của người Đà Lạt, anh Lý Hoàng Long tâm sự: "Chợ Đà Lạt luôn là điểm đến ưa thích của du khách khi đến xứ lạnh. Tiểu thương Đà Lạt không ăn to nói lớn, không nói thách ngất ngưởng. Những gánh hàng rong trĩu nặng trên đôi vai tần tảo của các chị, các cô thật đẹp, như một bố cục đối xứng trong nghệ thuật tạo hình mà trục là chiếc nón lá đã úa màu qua hai mùa mưa nắng".
Nữ nhiếp ảnh Trúc Công trưng bày loạt ảnh ghi lại những khoảnh khắc độc đáo của các loài chim mà chị “săn” được ở những vùng chim nổi tiếng của Việt Nam. “Sống tại Đà Lạt, nơi có nhiều loài chim, trong đó có 6 loài đặc hữu nên tôi đam mê tìm chụp những loài chim đẹp lạ, quý hiếm trên cao nguyên và nhiều nơi trong cả nước. Hít thở không khí trong lành, nghe chim hót líu lo thật sảng khoái như nạp thêm năng lượng cho bản thân”, chị tâm sự.
Chị mua khá nhiều chim để thả vào cánh rừng ven đường Lý Tự Trọng, quần thể thông hiếm hoi còn sót lại ở nội ô thành phố. Tranh của chị đang được triển lãm tại cung đường lãng mạn này.
Say mê dùng máy ảnh ghi lại hình ảnh côn trùng, giọt sương, ngọn cỏ… nơi mình sinh sống - Cầu Đất (Đà Lạt), vùng đất quanh năm mây phủ và là nơi trồng chè ngon bậc nhất cả nước, Đỗ Công Thành trở thành “chuyên gia” chụp ảnh “mạc- rô.
Nhóm tác giả cho biết triển lãm tranh “Đà Lạt Hòa Điệu” sẽ kéo dài đến hết Tết nguyên đán Tân Sửu (2021).