Lang Biang, miền rượu ngon, gái đẹp

TP - Không chỉ là dãy núi hùng vĩ, nơi bác sĩ A.Yersin khám phá ra Đà Lạt, Lang Biang còn là xứ sở của những câu chuyện huyền bí và những phong tục lạ, quê hương của hoa hậu miền sơn cước cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng, miền đất của men rượu cần quyến rũ...

Bên bếp lửa bập bùng trong nhà sàn truyền thống của tộc người K’ho, già làng Krajan Plin say sưa kể: Thuở xưa, chàng K’Lang (bộ tộc Lạch) và nàng Hơ Biang (bộ tộc Chil) là đôi uyên ương tài sắc nhất vùng. Mỗi khi họ thổi khèn, đánh chiêng, hát đối đáp cùng nhau thì hoẵng đứng ngẩn ngơ, hươu nai sững sờ và ma quỷ quên làm hại người.

Thế nhưng cha của Biang là tù trưởng JRềnh cấm đoán không cho con gái bắt Lang làm chồng bởi giữa hai dòng họ có mối thù truyền kiếp.

Đôi trai tài gái sắc này đã đưa nhau lên vùng núi cao để sinh sống. Khi Hơ Biang bị bệnh nặng, K’Lang quay về báo tin để dân làng tìm cách cứu nàng. Ác nghiệt thay, nhiều người đã lần theo dấu vết, tìm đến nơi ở của hai người để giết K’Lang.

Hơ Biang đã đỡ mũi tên tẩm thuốc độc của người trong bộ tộc nhắm vào K’Lang và đã chết vì mũi tên oan nghiệt đó. Chàng K’Lang than khóc, thề nguyền suốt đời chung thủy và đã trút hơi thở cuối cùng bên mộ người yêu giữa rừng già thâm u.

Cái chết bi thương đó khiến tù trưởng JRềnh hối hận khôn nguôi. Ông đã chủ động giảng hòa, xóa bỏ hận thù và lấy tên của Lang và Biang đặt cho dãy núi này để nhắc nhở con cháu muôn đời sau.

Câu chuyện tình chung thủy và éo le ấy cũng khiến Ngọc Hoàng xúc động. Người bèn sai một vị thần xuống trần đắp cao thêm hai ngọn Lang Biang để làm trụ chống trời.

Với độ cao 2.167m, Lang Biang sừng sững phía chân trời như một chứng tích thần kỳ; đồng thời tạo nên hậu cảnh tuyệt mỹ cho cảnh quan khu trung tâm TP Đà Lạt. Nhìn ngắm từ xa, Lang Biang hệt như bộ ngực tuyệt đẹp của sơn nữ tuổi trăng tròn.

Không chỉ truyền thuyết mà ngay trong đời sống thực, đây là một trong những vùng có nhiều sơn nữ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa xinh đẹp nhất nam Tây Nguyên. Nhiều nhà dân tộc học, nhà báo, nhiếp ảnh gia có chung nhận định như thế.

Một số người còn chộp được những bức ảnh tuyệt đẹp về sơn nữ đi lấy nước ở các dòng suối: Các bầu lớn, bầu nhỏ đựng nước đen láy chen nhau trong chiếc gùi thưa, còn các cô gái miệng hát, chân nhún nhảy làm đung đưa đôi vú tròn mọng trên bộ ngực nở nang không yếm, không che đậy… trông thật nhí nhảnh, hồn nhiên. 

Thổi khèn bầu - Ảnh: Hà Hữu Nết

Ngày nay, các sơn nữ không còn giữ tục để ngực trần nữa mà mặc áo cánh ngắn bó sát người làm nổi bật bộ ngực tròn và vòng eo thon thả; trong lễ hội, thiếu nữ thường diện những bộ váy truyền thống và yểu điệu cài những đóa hoa rừng lên gùi, lên tóc.

Với ánh mắt tình tứ, đôi tay mềm mại, thân hình uyển chuyển, từng đoàn sơn nữ say sưa nhảy múa trong tiếng chiêng, tiếng cồng thẳm sâu, huyền bí làm chuếnh choáng các tao nhân mặc khách. 

Sở hữu vẻ đẹp hoang dã tựa đóa lan rừng với đôi mắt như biết cười long lanh đen láy trên gương mặt tròn thanh thoát, nước da mịn màng màu đồng hun và bộ trang phục truyền thống do bản thân tự thiết kế, Kra Jan Jut Jui - sơn nữ của buôn làng dưới chân núi Lang Biang -  đã được vinh danh Hoa hậu miền sơn cước tại cuộc thi sắc đẹp toàn quốc năm 2007.

Đó là cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam duy nhất từ trước đến nay với sự đăng ký tham dự của hàng ngàn thí sinh đến từ khắp mọi miền đất nước.

Làng nghệ sĩ, ca sĩ chân trần

Hiếm nơi đâu như cộng đồng dân cư dưới chân núi Lang Biang này: Chỉ với vài ngàn dân quần tụ trong khu vực chưa đầy 1 km² mà có tới 12 CLB âm nhạc được Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cấp phép biểu diễn cồng chiêng.

Càng ngạc nhiên hơn khi đa số thành viên các ban nhạc là nông dân, ban ngày vác cuốc, xà gạc lên rẫy; đến khi đêm về thì bay bổng, thăng hoa với cồng chiêng trên sân khấu như nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Chủ nhiệm CLB cũng chỉ là những già làng, nghệ nhân dân gian chưa qua một lớp đào tạo âm nhạc nào nhưng vẫn có thể sáng tác ca khúc, dàn dựng chương trình biểu diễn khá hấp dẫn.

Già làng Krajan Plin - Ảnh: Kim Anh

Mỗi khi đến với Lang Biang, những người yêu âm nhạc luôn đắm mình trong những ca khúc mượt mà, đậm chất dân ca của các nghệ nhân chân đất sinh trưởng ở chính mảnh đất này như Nồng nàn cao nguyên, Tạm biệt suối nguồn, chuyện tình Lang Biang của Krajan Dick (Phó Đoàn ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng); Giữ ấm bếp hồng, Lang Biang S’Ning, Em hãy về của Krajan Plin; Mừng lúa mới của Păngting Tưr…

Những ca khúc nói trên đã chắp cánh, tạo thương hiệu cho giọng hát của những ca sĩ núi rừng; đưa họ từ nương rẫy thẳng tiến lên sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp.

Với ca khúc Lang Biang S’Ning, Bonneur Trinh xuất sắc đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình TPHCM năm 2002. Cũng với những ca khúc thấm đẫm âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên, hai dì cháu Krajan Út và Cil Pơi đã vượt qua hàng ngàn thí sinh trong cả nước để cùng 13 giọng ca khác góp mặt tại đêm chung kết giải Sao Mai năm 2003.

Hai năm sau, làng ca sĩ chân đất Lang Biang lại có thu hoạch lớn khi Krajan Sik xuất sắc giành huy chương vàng cuộc thi dân ca toàn quốc. Nghệ nhân Krajan Plin cũng từng đạt 3 huy chương vàng toàn quốc cùng nhiều huy chương bạc tại các hội thi và được mời đi biểu diễn ở Mỹ, Pháp...

Không chỉ có hàng chục ca sĩ, nhạc sĩ thành danh trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, hàng trăm nghệ nhân tham gia biểu diễn tại các CLB văn hóa cồng chiêng mà như lời của nhạc sĩ Krajan Dick: “Đã là con của núi rừng Lang Biang thì ai cũng yêu nhạc từ khi máu trong người biết chảy, ai cũng biết múa hát. Về tỉ lệ ca sĩ trên tổng số dân thì nơi đây đứng thứ nhất cả nước”.

Lý giải vì sao nhiều người có giọng hát trong vắt như nước suối Dà P’lah, cao vút như đỉnh Lang Biang bốn mùa mây phủ, các già làng hay kể về truyền thuyết Bảy con ve sầu:

Khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ tìm cho được 7 con ve sầu và mời thầy mo đến làm lễ, đọc thần chú. Thầy mo lần lượt lấy từng con ve sâm (cọ, xoa, vuốt gần thanh quản) trên cổ đứa bé rồi nướng cho bé ăn để lớn lên có chất giọng tốt và bền bỉ như ve sầu.

Nghệ nhân Păng Ting Sin (khu phố Bon Đơng I, thị trấn Lạc Dương) thì cho rằng người dân nơi đây uống nước của dòng suối Dà P’lah (cây mây) trong vắt, dịu ngọt khởi nguồn từ ngọn núi thiêng và chưa bao giờ cạn nên có giọng rất tốt: âm vực rộng, âm điệu vang…

Men rượu quyến rũ

Lửa bốc cháy rừng rực sau hiệu lệnh Hãy nổi lửa lên! của già làng Krajan Plin.  Thần Mặt trời đi, thần Mặt trời lại về. Dân làng tôi lúa thơm đầy bồ, cất rượu chờ thần Mặt trời. Hỡi thần linh! Đến uống đi! Đến uống nào! Hãy vui cùng buôn làng chúng tôi!  - giọng già ngân dài.

Sau khi cầu khấn mời thần linh, già ra hiệu cho trai làng khiêng ra một chóe rượu cần và trịnh trọng nâng cần rượu mời khách.

Du khách vừa uống rượu cần, nhâm nhi đặc sản heo rừng (loại heo nhà nhưng nuôi thả rông trong rừng) vừa thưởng thức nhiều nhịp chiêng khác nhau, từ tiếng chiêng mừng ngày hội đến chiêng Proh gọi bầy, chiêng Dênh gọi mưa; hát đối đáp dêh kô, dêh reng; đánh đàn T’rưng, thổi sáo, độc tấu khèn bầu…

Vũ điệu đêm rừng - Ảnh: Kim Anh

Trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, các sơn nữ xinh đẹp Krajan Belly, Cil Oanh, Cil Zi cùng các chàng trai Cil Ninh, K’ Luynh… thay nhau hát với chất giọng cao vút, nóng hổi khát khao như trút cạn hơi trong lồng ngực.

Minh họa cho những ca từ huyễn hoặc, những giai điệu khi thì trầm buồn, sâu lắng, lúc lại cao vút, cuồng nhiệt như lửa núi là những vũ điệu hoang dại và quyến rũ của những sơn nữ xinh như hoa rừng, những chàng trai vạm vỡ tràn đầy sức sống.

Rạo rực theo từng vũ điệu đắm say, uyển chuyển của những người con buôn làng, du khách dường như quên mất vai trò khán giả của mình. Họ bị cuốn vào các vòng xoan, điệu nhảy; tay trong tay, mắt trong mắt với các nghệ sĩ của buôn làng...

Già làng tiết lộ: Nguyên liệu làm rượu cũng chỉ là những loại ngũ cốc thông thường như gạo, sắn, bắp... tuy nhiên buôn làng có chất gây men đặc biệt được cất từ tinh chất của một số cây rừng.

Và, thay vì mang đi chưng cất bằng nhiệt như các loại rượu thông thường, người làng đem chóe rượu chôn xuống đất trong một khoảng thời gian nhất định để hình thành lớp nước cốt rượu màu vàng sánh với hương vị hết sức đặc trưng.

Bởi cồng chiêng, rượu cần có ý nghĩa to lớn không chỉ về văn hóa, tinh thần mà còn là những món độc thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng đất này nên ngành đang hỗ trợ UBND huyện Lạc Dương đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu Cồng chiêng Lang Biang tại Cục Sở hữu trí tuệ và trong thời gian tới sẽ xin xác lập quyền sở hữu cộng đồng đối với nhãn hiệu Rượu cần Lang Biang - Tiến sĩ Phạm S (Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng) cho biết.