Lặn lội thân cò chốn kinh kỳ
Nét căng thẳng hằn sâu trong từng gương mặt sạm đen vì nắng, bám bụi vì mồ hôi bỗng rạng rỡ rồi rối rít gọi tên con. Bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu tâm trạng của những người làm cha làm mẹ.
Muôn đường lặn lội
Giữa cái nắng gay gắt, một tay cầm chiếc quạt giấy, một tay cầm khư khư chiếc điện thoại, sự lo âu hiện rõ trên gương mặt xương gầy sạm đen của chị Dương Thị Minh (Thọ Xuân – Thanh Hóa).
Hỏi ra mới biết: “Tôi mới biết dùng điện thoại nên cầm thấy nó cứ gượng gượng tay thế nào”.
Chồng đi làm mãi tận trong miền Nam, cả năm mới về được một lần Tết nên mọi việc đồng áng con cái ở nhà đều do một tay chị gánh vác.
Năm nay, con cả đi thi đại học nên vợ chồng cũng cố gắng chắt bóp dành dụm từ đầu năm để có tiền cho con lên Hà Nội. Ba mẹ con ở nhà cũng chỉ mua chiếc điện thoại rẻ tiền để thỉnh thoảng bố gọi về hỏi thăm hay có việc gì là nhờ con bấm.
Cho con lên thi ĐH nên chị mới phải cố gắng học sử dụng điện thoại nhưng cũng chỉ là để gọi nghe. “Ở nhà chỉ còn thằng út nên tôi cũng lo lắm nên cứ phải gọi điện về hỏi thăm luôn. Thi cử đến đàn ông nhìn con thấy vất vả huống hồ lại là phụ nữ chân lấm tay bùn như tôi”.
Lên kế hoạch chờ con thi xong hai mẹ con sẽ ra bến xe về nhà luôn, chị Tạ Thị Hồng tâm sự: “Mới ở thành phố có 1, 2 ngày mà đã thấy nhiều cái khó khăn quá. Ở nhà cũng nghe người ta nói ra thành phố phức tạp nhưng đâu có nghĩ được nhiều chuyện phải lo lắng thế. Đi đâu cũng thấy người này người kia lôi kéo. Từ chuyện nhà cửa, đến chuyện ăn uống. Hai vợ chồng tính con gái nên để mẹ đi chăm nuôi cho dễ. Nhưng chắc thế này cháu thi đợt 2 thì để bố cháu đi”.
Trước ngày làm thủ tục dự thi, gặp mẹ con chị Hà Thị Thơ (Cao Bằng) ở bến xe, nhìn gương mặt tái mét, bước chân xuống xe vẫn còn lảo đảo, cậu con trai rối rít hỏi mẹ: “Mẹ làm sao thế”. Chỉ xua tay rồi chỉ về phía cuối tường. Hai mẹ con chị ngồi lọt thỏm nơi bến xe giữa những chuyến xe vẫn tiếp tục đưa sĩ tử về kinh.
Sau những phút nghỉ ngơi chị mới bảo: “Gia đình cũng hoàn cảnh lắm. Bố mất lúc em vào lớp 10, em gái học lớp 6. Tàu xe tôi đi không quen nên chắc bị say thế thôi nhưng dù thế nào cũng phải cố đưa em đi thi cho bằng bạn bằng bè”.
Ra tới cửa bến xe, trong khi chờ chuyến xe buýt về trường thi theo lời chỉ của những sinh viên tình nguyện, chị lại phải ngồi nghỉ.
Vì con
Vẫn chăm chú không rời mắt nhìn về phía phòng thi chợt thấy giọng chị nghèn nghẹn: “Từ hôm rục rịch chuẩn bị hai mẹ con lên Hà Nội đến hôm nay, ngày nào ông ấy cũng gọi điện về hỏi thăm rồi dặn dò phải thế này thế kia. Tôi cũng lo hai mẹ con đàn bà lần đầu ra tỉnh. Nhưng hoàn cảnh thế thì cũng cố. Chỉ mong sao em có được kết quả tốt, chút vất vả ấy bố mẹ nào có tính với con”.
Tất tả đạp xe, gạt vội chiếc chân chống, ánh mắt dáo dác nhìn về phía phòng thi, chị Phạm Thị Thúy (Nam Định) chột dạ: “May quá vẫn chưa hết giờ thi”.
Đang làm giúp việc trên này, may mắn trường con thi lại ngay gần nhà chủ nên chị nhờ cho con được ở để đi thi cho thuận lợi. Đưa con đi thi rồi chị lại phải về nhà làm việc nhà rồi mới lật đật trở lại trường thi để đón con.
Lấy tay gạt nhẹ những giọt mồ hôi, chị bảo: “Ở nhà mà cứ đứng ngồi không yên, chỉ mong ra trường thi xem con như thế nào. Nhưng công việc nên cũng chẳng biết làm thế nào”.
Tiếng trống báo hết giờ thi vang lên, những ánh mắt chăm chú nhìn vào những phòng thi giờ lại dáo dác tìm con. Nét căng thẳng hằn sâu trong từng gương mặt sạm đen vì nắng, bám bụi vì mồ hôi bỗng rạng rỡ rồi rối rít gọi tên con. Bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu tâm trạng của những người làm cha làm mẹ.
Một mẹ, một con chốn kinh kỳ ngày thi với bao phức tạp, khó khăn bộn bề nhưng sâu trong từng gương mặt ấy, đôi mắt không giấu được sự mệt mỏi nhưng vẫn ánh lên những niềm hy vọng. Ước mơ đại học vẫn là khát khao đổi đời cho con cái của cha mẹ.
Theo Hồng Khanh
VietNamNet