Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) được tổ chức trên một hòn đảo có ý nghĩa lịch sử và vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam: đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, các VĐV không giấu nổi sự xúc động và dâng trào cảm giác tự hào về vẻ đẹp của biển đảo quê hương cùng sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây.
Cùng đoàn Quân đội cập bến Lý Sơn cách đây một tuần để chuẩn bị cho giải đấu, đương kim vô địch marathon nam Bùi Thế Anh (Quân đội) cho biết, đây là lần thứ hai anh trở lại với đảo Lý Sơn, nhưng cảm xúc rất khác biệt so với lần đầu.
“Tôi từng đến Lý Sơn du lịch một lần, nhưng đây là lần đầu tiên tham gia thi đấu trên một hòn đảo. Những ngày qua tập luyện ở đây, tôi nhận thấy Lý Sơn như khoác lên mình một tấm áo mới trong ngày hội vậy. Cảnh vật như tươi mới hơn khi ban tổ chức đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho sự chuẩn bị của giải và người dân cũng rất háo hức chờ đón một sự kiện thể thao lớn như vậy.
Phải nói rằng, báo Tiền Phong tổ chức giải đấu ở Lý Sơn thực sự rất có ý nghĩa, bởi truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không chỉ được tranh tài ở giải đấu cấp quốc gia, được sải bước qua những danh thắng rất đẹp của Lý Sơn, các VĐV còn được sống trong bầu không khí thiêng liêng trên đảo, qua đó sẽ yêu quê hương và đất nước mình hơn”.
Khác với Thế Anh, đồng đội của anh là Đỗ Quốc Luật mới lần đầu tiên đặt chân đến Lý Sơn. Nhà vô địch cự ly 10km ấn tượng với sự thân thiện và hiếu khách của người dân nơi đây. “Ngay khi đặt chân lên đảo, mọi mệt mỏi nhanh chóng tan biến khi chúng tôi tiếp xúc với người dân ở đây, những con người thân thiện, gần gũi. Cuộc sống ở đây thật yên bình, dù còn nhiều khó khăn, nhưng ở họ luôn toát lên sức sống mãnh liệt. Khi nói chuyện với bà con Lý Sơn, chúng tôi được kể về quá trình trồng loại tỏi trứ danh. Và chúng tôi hiểu ra rằng, chính sự khắc nghiệt của thời tiết, đất cát, cộng với sự cần cù lao động của người dân đã chắt chiu, kết tinh thành hương vị riêng của củ tỏi, củ hành Lý Sơn”.
Còn với nhà vô địch 5km nữ tuyển Nguyễn Thị Oanh, cô cũng như bao bạn trẻ Việt Nam khác, được truyền tình yêu quê hương và biển đảo thông qua từng trang sách, bài giảng và được bùng chạy trong lần đầu tiên được đặt chân đến vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. “Ngay từ đầu năm, tôi đã tập luyện chuẩn bị cho Tiền Phong Marathon.
Chỉ biết Lý Sơn qua sách báo và truyền hình, tôi rất háo hức chờ đến ngày giải khởi tranh để được sải bước chân chạy trên cung đường biển rợp bóng cờ đỏ sao vàng, băng qua nhiều ruộng tỏi, ruộng hành trên hòn đảo tiền tiêu của đất nước. Mới có mặt ở Lý Sơn hai ngày, nhưng tôi thực sự rất xúc động về vẻ đẹp của hòn đảo, cảm thấy ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, gìn giữ những gì mà thế hệ trước đã đổ mồ hôi, xương máu để cho chúng ta có ngày hôm nay”.
Trước “giờ G” 3 ngày, một số các chân chạy phong trào đã rục rịch cập bến Lý Sơn sớm nhằm có nhiều thời gian trải nghiệm và làm quen với cuộc sống trên đảo. VĐV Đan Quyết (TPHCM), một trong những chân chạy bộ phong trào xuất sắc hiện nay với khả năng chạy marathon dưới 3 giờ, đã đến Lý Sơn sớm hơn mọi người ít nhất 1 ngày để thảnh thơi khám phá Lý Sơn, làm quen với đường chạy, thời tiết của vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc.