Cá rồng biển màu hồng ngọc (tên khoa học Phyllopteryx dewysea) được xác định là một loài mới vào năm 2015 sau khi các nhà khoa học phân tích trình tự ADN trên 4 mẫu vật khô của loài này trôi dạt vào bờ hoặc dính lưới ngư dân trong khoảng năm 1919-2007, theo New Scientist.
Trong hai năm 2015 và 2016, thêm hai mẫu vật cá rồng biển màu hồng ngọc trôi dạt vào vùng bờ biển Point Culver, gần quần đảo Recherche ở phía tây Australia, thôi thúc các nhà khoa học quyết tâm tìm thấy loài này trong tự nhiên.
Nhà sinh vật học Greg Rouse, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, Mỹ, xác nhận cảnh quay cá rồng biển màu hồng ngọc dài khoảng 25cm được thực hiện tại vùng nước sâu 55 m thuộc quần đảo Recherche.
Nhóm nghiên cứu miêu tả việc tìm thấy cá rồng biển màu hồng ngọc giống như "mò kim đáy biển". Phải tới lần lặn thứ tư, họ mới phát hiện hai cá thể loài này đang ăn thức ăn và di chuyển nhẹ nhàng quanh khu vực rặng đá mà họ gọi là "khu vườn bọt biển".
Theo National Geographic, đây là loài cá rồng biển (họ hàng với cá ngựa) thứ ba trên thế giới được tìm thấy.
"Tây Australia là khu vực có môi trường sống đa dạng. Mỗi loài tìm thấy ở đây đều xứng đáng được chú ý. Chúng tôi hy vọng môi trường sống của loài cá rồng biển hồng ngọc được bảo vệ càng sớm càng tốt", các nhà nghiên cứu chia sẻ.