TPO - Với thông điệp "Hãy cho tôi 60 phút, chúng tôi trả lại bạn 130 năm", chương trình thực cảnh diễn ra tại Đà Lạt đưa khán giả qua những câu chuyện lịch sử đặc trưng ngay tại biệt điện của bà Trần Lệ Xuân tại Đà lạt.
Tối 20/9, vở kịch thực cảnh mang tên Madame Show - Chuyện kể thứ nhất: Những đường chim bay diễn ra tại Madame de Dalat - hay còn được biết đến là biệt điện của bà Trần Lệ Xuân. Với thông điệp "Hãy cho chúng tôi 60 phút, chúng tôi trả lại cho bạn 130 năm", vở diễn mang lại di sản, giai thoại của thành phố Đà Lạt trong gần hai thế kỷ. Sự góp mặt của chương trình Madame Show nói riêng và những công trình trong khuôn viên Madame de Dalat được kỳ vọng biến Đà Lạt thành điểm du lịch đặc sắc.
Theo chia sẻ từ ban tổ chức, vở kịch thực cảnh Madame show – Chuyện kể thứ nhất: Những đường chim bay tái hiện những chuyện tình nổi tiếng gắn với Đà Lạt cùng con người, cái tên và giai thoại đã để lại dấu ấn sâu đậm với chính mảnh đất Đà Lạt và cả những ai từng yêu mến nơi này.
Madame Show mở đầu với chuyện tình ai oán của Mai Nương và Hoàng Tùng của thế kỷ 18, kết nối với câu chuyện bi đát giữa cô giáo Lê Thị Thảo và sĩ quan Vũ Minh Tâm.
Thông qua cách kể ai oán của Trác Thúy Miêu, cộng hưởng khung cảnh hoành tráng đặc trưng của kịch thực cảnh, khán giả cảm nhận được nhiều chuyện tình bi đát từng diễn ra tại nơi nên thơ như Đà Lạt.
Tiếp nối chuyện tình giữa cô giáo Lê Thị Thảo và sĩ quan Lê Minh Tâm là khung cảnh biệt thự.
Tại Đà Lạt thơ mộng, sự lặng người của vua Bảo Đại trên bậc thềm Dalat Palace, việc vị vua cuối cùng của Việt Nam gặp gỡ Nguyễn Hữu Thị Lan và đem lòng yêu say đắm, để câu chuyện về Nam Phương hoàng hậu lưu truyền đến nhiều đời sau.
Cũng tại Đà Lạt, tại những con dốc thơ mộng của xứ sở sương mù, thiếu nữ Lê Uyên trót thương chàng nhạc sĩ tài hoa, ươm mầm một đôi tình nhân nghệ thuật, mang lại liên danh Lê Uyên Phương đình đám của làng tân nhạc Việt Nam.
Bên cạnh những câu chuyện mang hơi thở thời đại, khán giả được trở về thời xa xưa. Câu chuyện về mối tình huyền sử truyền đời của xứ Thượng, mối tình Lang - Biang để vẽ nên chân dung Đà Lạt, hình thành nên thành phố nên thơ được người dân cả nước và khách nước ngoài mong muốn đặt chân đến.
“Madame Show chọn tái hiện cảnh tượng gắn với bất kỳ ai yêu mến Đà Lạt, từ những con dốc bậc thang nổi tiếng gắn với địa danh chợ Âm Phủ, là tiếng rao, những món ăn dân dã làm nên hồn cốt rất riêng của xứ sở sương mù. Đội ngũ mỹ thuật và thi công đặc biệt lấy cảm hứng sân khấu gợi nhắc hai ngọn đồi gắn với truyền thuyết mối tình giữa Lang và Biang.
Chương trình thực cảnh diễn ra tại biệt điện nổi tiếng một thời. Nay, biệt điện chính thức có tên mới là Madam de Dalat.
Thực hiện chương trình trong khuôn viên biệt điện, Trác Thúy Miêu kỳ vọng show diễn được du khách và người dân Đà Lạt đón nhận. "Tôi muốn kể chuyện ngắn gọn và cảm xúc bằng ngôn ngữ múa, âm nhạc và độc thoại để sau khi rời khỏi chương trình, du khách biết cách thưởng thức Đà Lạt theo cách có chiều sâu”, Trác Thúy Miêu nói.
Trong khi đó, giám đốc sản xuất Trọng Khương cho biết 60 phút là thời lượng quá ngắn để kể câu chuyện Đà Lạt thâm trầm. Đội ngũ ê-kíp hướng người tham gia chương trình đi giữa Đà Lạt bằng những chuyện tình, giai thoại nổi tiếng. “Nhóm thực hiện lựa chọn ngôn ngữ thực cảnh sân khấu với mong mỏi gợi nhắc những giá trị cốt lõi kiến tạo nên tinh thần và sức sống của Đà Lạt. Đó là những giá trị tử tế gắn với ký ức của nhiều thế hệ người dân cũng như du khách từng đặt chân khám phá mảnh đất mang tên xứ sở sương mù", đạo diễn Trọng Khương nói thêm.