Họa sĩ Lục Quốc Nhượng:

Làm tới cùng, được hay mất không quan trọng

TP - Điều dễ thấy nhất trong tranh của Lục Quốc Nhượng là sự tự do trong sáng tác. Như chính cố họa sĩ từng chia sẻ, khi vẽ, ông giải phóng mình khỏi mọi kỹ thuật, lối vẽ trường quy, chỉ để duy nhất cảm xúc tràn lên mặt toan, mặt giấy, hay bất kỳ chất liệu nào. Tất cả đều diễn ra hoàn toàn tự nhiên.

Những bức tranh không đề

Triển lãm “Phố và đời” trưng bày 75 tác phẩm trên giấy của cố họa sĩ Lục Quốc Nhượng. Từ trước đến nay, tên tuổi ông thường gắn với các tác phẩm sơn dầu, sơn mài, còn tranh giấy thì có lẽ ít người biết đến.

“Triển lãm này là một mối duyên nợ của Cuci Art Studio với họa sĩ. Năm 2019, chúng tôi từng làm việc với ông qua triển lãm “Sóng ở đáy sông”.

Sau khi kết thúc, ông hẹn năm sau làm tranh giấy nhé. Chưa kịp làm thì họa sĩ mất. Điều đó khiến chúng tôi luôn trăn trở và ấp ủ để có triển lãm ngày hôm nay, cũng là cơ hội để người xem có thể thấy thêm một góc khác của họa sĩ Lục Quốc Nhượng”, bà Võ Quỳnh Hoa, Giám đốc Cuci Art Studio chia sẻ.

Tác phẩm tại triển lãm “Phố và đời”.

Hầu hết tác phẩm trong triển lãm lần này đều được sáng tác trong giai đoạn 1980 kéo dài đến năm 2016 và lần đầu được trưng bày trước công chúng. Các bức tranh vẽ chì, vẽ phấn, có cả tranh khắc thạch cao trên giấy.

Phần lớn tác phẩm không có tiêu đề cụ thể, chỉ có ký hiệu mốc thời gian, khiến người xem liên tưởng đến những trang nhật ký, thể hiện ưu tư, trăn trở của họa sĩ trước cuộc sống, thân phận con người trong các bối cảnh riêng biệt.

Cố họa sĩ Lục Quốc Nhượng.

Triển lãm lần này cũng đã phô diễn được sở trường của Lục Quốc Nhượng là tranh trừu tượng và tranh phố. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông có một tình yêu dạt dào dành cho mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Lục Quốc Nhượng dùng sự bay bổng, biến ảo của màu, của khối, của đường nét để khắc họa nên bức tranh thực tế xã hội với cả những góc khuất của một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động mà ông đã trải qua. Sinh năm 1944, như bao người cùng thời, ông đi qua 2 cuộc chiến tranh và cả thời kỳ đổi mới của đất nước.

Chính vì thế cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng lắm thăng trầm theo từng biến cố lịch sử. Nhiều người nhận xét, những tác phẩm hội họa của ông như một biên niên ký thời sự, một nhân chứng của lịch sử. Tranh ông toát lên sự đau đáu về thân phận con người và cuộc mưu sinh trong xã hội mới.

Tranh của Lục Quốc Nhượng, cả tranh giấy hay các thể loại khác cũng thường kiệm màu. Dù có sử dụng các màu sắc khác thì vẫn gây ấn tượng hơn cả với tông màu đen trắng.

Sinh thời, ông cũng từng thừa nhận: “Tôi hay vẽ màu đen vì đó là màu duy nhất lấy lại được bình ổn trong lòng tôi”. Bên cạnh mảng màu đen trắng là những đề tài phảng phất nét tâm linh, mênh mông, huyền bí, chạm vào bóng đêm. Các đường nét trong tranh của ông khi thấy giản đơn, khi lại rất nhì nhằng, phức tạp.

“Nét là một trong những yếu tố đầu tiên và có vai trò quan trọng trong hội họa. Không phải ai cũng làm duyên được với nét, nhưng cũng có người thì chỉ cần thả 1-2 nét là đã nói đủ câu chuyện. Lục Quốc Nhượng là một trong những họa sĩ như thế. Có những bức vẽ của ông nhìn qua rất khó hiểu nhưng nhìn kỹ lại thấy cuộc sống hiện lên phong phú với rất nhiều chân dung trong đó”, Giám đốc Cuci Art Studio nhận định.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn lúc sinh thời cũng từng nhận xét về tranh của Lục Quốc Nhượng là có thế mạnh về đường nét. Đấy là những nét đời, nét người, khi trau chuốt, cầu kỳ ở các chủ đề mang yếu tố bí ẩn, vũ trụ, tâm linh - một đề tài mà họa sĩ ưa thích khám phá.

Cảm xúc dẫn dắt ngòi bút

Lục Quốc Nhượng từng có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm tại Hà Nội. Các tác phẩm của ông cũng nằm trong các bộ sưu tập cả trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật, Anh, Canada, Hà Lan...

Một điều dễ nhận thấy ở tranh của Lục Quốc Nhượng là sự tự do trong sáng tác. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhưng họa sĩ không bị gò ép bởi nguyên tắc trường quy.

Lối vẽ của ông là ngồi trước mặt toan và để ngòi bút tự do đi nét. Đã cầm cọ là không nghĩ gì hết, chỉ để duy nhất cảm xúc tràn lên mặt toan, mặt giấy, hay bất kỳ chất liệu nào.

Ông vẽ tự nhiên như ăn như ngủ, như nước chảy mây trôi. Với Lục Quốc Nhượng, vẽ là một cái nghiệp, là sự giải tỏa thế giới nội tâm, qua đó gửi gắm được nỗi ưu tư, suy ngẫm của họa sĩ trước cuộc sống và thân phận con người.

Có lẽ vì thế mà các tác phẩm của ông, về màu sắc, tạo hình, vờn khối, đường viền hình họa… có tính ngẫu hứng rất cao, tạo nên ấn tượng thị giác phong phú cho người xem.

Đôi khi những khối tròn, vuông, tam giác… được đặt cạnh nhau đầy táo bạo nhưng vẫn làm nên một tổng thể hài hòa, vừa vặn. Nói về những bức tranh của mình, ông từng bộc bạch đơn giản: “Tôi muốn dùng ít nhất mà nói được nhiều nhất!”.

“Với mong muốn cùng chia sẻ giá trị chung trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, tôn vinh sự sáng tạo mang tính nhân văn, Cuci Art Studio luôn chào đón các nghệ sĩ tài năng, sáng tạo từ nhiều loại hình, dưới nhiều hình thức như triển lãm, workshop…

Từ năm 2019, Cuci tự hào là người đại diện cho cố họa sĩ Lục Quốc Nhượng, và ấp ủ sau này sẽ có thể làm thêm sách về ông”, đại diện Cuci Art Studio cho biết thêm.

Nói về họa sĩ Lục Quốc Nhượng, con trai ông - họa sĩ Lục Quốc Sỹ chia sẻ: “Bố tôi là một người khá lập dị. Cuộc đời này ông dành toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Có lúc quên hết tất thảy, kể cả vợ con. Hồi tôi mới lớn choai choai, ông tuyên bố luôn là phải tự lập, tự lo cả trong cuộc sống lẫn nghệ thuật. Sau này càng làm nghề, tôi mới nhận ra, nếu bố tôi thức thời, nhanh nhạy một chút thì có lẽ kinh tế gia đình đã khá hơn. Nhưng với ông, vẽ không phải để kiếm sống. Tết, người ta vẽ tranh tươi sáng, vàng đỏ cho bắt mắt, dễ bán. Ông vẫn ung dung vẽ những bức tranh đen sì.

Thắc mắc thì ông bảo “Tao cứ vẽ, ai thích thì lấy, không thì thôi!”. Điều mà tôi tâm đắc nhất ở ông chính là niềm đam mê hết mình với nghệ thuật. Đã muốn làm gì là quyết liệt, làm tới cùng, được hay mất không quan trọng. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh mỗi đêm, khi cả nhà đã say giấc ngủ, không gian thật sự tĩnh lặng, ông mới lặng lẽ ngồi vẽ, như chìm vào cõi riêng của mình”.

Triển lãm “Phố và đời” của cố họa sĩ Lục Quốc Nhượng mở cửa tới 26/4/2024, tại Cuci Art Studio - tầng 3, 17 Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.