Toàn bộ 4 đốt hầm đều bị rạn nứt dày đặc từ mặt trong ra mặt ngoài... Ảnh : Lao Động
Cụ thể, ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng cần làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ tại một số hạng mục của Dự án Đại lộ Đông Tây. Đặc biệt, là chất lượng thi công 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm, vì đây là hạng mục quan trọng nhất, có quy mô thi công lớn nhất, sẽ được dìm dưới lòng sông Sài Gòn nên yếu tố an toàn trong sử dụng phải được đảm bảo.
Ngoài ra, ông Hoàng còn lưu ý Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước phải phối hợp với UBND huyện Bình Chánh, UBND quận Bình Tân, quận 2, sớm hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng đối với 41 hộ dân để các đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ các hạng mục còn lại.
Trong quá trình thi công cần hạn chế việc ngăn lấp dòng chảy, cống thoát nước để tránh hiện tượng ngập lụt sau mưa như đã xảy ra thời gian qua. Ngay trong thời gian sớm nhất, các cơ quan có liên quan phải đánh giá chính xác hiệu quả của dự án khi hoàn thành sẽ tác động như thế nào đến kinh tế-xã hội địa phương.
Ban Quản lý dự án cũng cần tiếp tục đôn đốc nhà thầu thi công sớm hạng mục đường dẫn và cầu vượt tại quận 2 để giải tỏa nhanh điểm đen ùn tắc giao thông tại điểm giao cắt giữa liên tỉnh lộ 25 và xa lộ Hà Nội.
Theo thông tin của Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước, hầm dìm Thủ Thiêm là hạng mục chính của gói thầu xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm, trị giá 2.083 tỉ đồng. Nhà thầu Obayashi (Nhật Bản), đã đúc đốt hầm đầu tiên vào ngày 13/9/2007. Đến tháng 6/2008, cả bốn đốt hầm được đúc xong tại bãi đúc Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Mỗi đốt hầm dài 92,4m, rộng 33,2m, cao 9m, nặng 27.000 tấn.
Nhưng sau đó, đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt ở tường biên, tường trong, bản đỉnh và bản đáy, trong đó có vết nứt xuyên tường bị thấm nước. Sự cố này đã làm chậm tiến độ lai dắt và lắp đặt hầm Thủ Thiêm từ bể đúc Nhơn Trạch về sông Sài Gòn, bị chậm ba tháng so với kế hoạch.
Đến tháng 11-2008, các cơ quan chức năng đã thống nhất chọn đơn vị tư vấn độc lập Connell Wagner (Ô-xtrây-li-a) tìm nguyên nhân gây ra các vết nứt bốn đốt hầm và xác định giải pháp xử lý các vết nứt, với chí phí 16 tỷ đồng.