Làm gì để bảo tồn động vật quý hiếm ở Khu BTTN Pù Hoạt?

TPO - Là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong, Nghệ An) đã xây dựng kế hoạch, định hướng để bảo tồn đa dạng sinh học. Để hiểu rõ và nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã nói riêng và đa dạng sinh học nói chung, Báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Hoạt.

PV: Xin ông chia sẻ về sự đa dạng của các loài động vật tại Khu BTTN Pù Hoạt hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Sinh: Pù Hoạt là một trong những khu BTTN có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với tổng diện tích quản lý là 86.414,38 ha rừng và đất lâm nghiệp. Nơi đây còn một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chịu tác động của con người, đại diện cho kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn.

Khu BTTN Pù Hoạt được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ nói riêng, cũng như của Việt Nam nói chung với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều loài động vật mới được phát hiện trong những năm 90 của thế kỷ XX ở khu vực này như: Mang Pù Hoạt (Muntiacus puhoatensis), Mang lớn trường sơn (Muntiacus truongsonnensis) ....

Thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã có nhiều nỗ lực phối hợp với các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế để thực hiện các hoạt động điều tra, nghiên cứu và đánh giá lại các giá trị dạng sinh học của Khu bảo tồn. Đặc biệt là đa dạng sinh học đối với khu hệ động vật để đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững.

Qua các kết quả nghiên cứu khoa học đã xác định được tại khu BTTN Pù Hoạt có 134 loài thú thuộc 82 giống, 31 họ và 12 bộ. Như vậy, so với khu hệ thú hoang dã trên cạn của toàn quốc, gồm: 299 loài thuộc 137 giống, 38 họ và 13 bộ; khu hệ thú ở khu BTTN Pù Hoạt chiếm 44,82% tổng số loài, 59,85% tổng số giống, 81,58% tổng số họ và 92,31% tổng số bộ thú trên cạn của Việt Nam.

Từ kết quả này cho thấy tầm quan trọng của khu BTTN Pù Hoạt đối với công cuộc bảo tồn tính đa dạng sinh học của khu hệ thú Việt Nam và là một khu vực rất cần được ưu tiên để bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng sinh học.

Khu BTTN Pù Hoạt rất đa dạng sinh học với 134 loài thú thuộc 82 giống, 31 họ và 12 bộ.

PV: Tình trạng buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn diễn ra khá phức tạp, đặc biệt tại Nghệ An. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến đa dạng sinh học tại địa bàn Nghệ An nói chung và Khu bảo tồn Pù Hoạt nói riêng?

Ông Nguyễn Văn Sinh: Hiện nay, các loài động vật hoang dã đang đứng trước rất nhiều thách thức, nguy cơ đe doạ đến sự tồn tại của chúng. Một trong những nguy cơ đe doạ lớn nhất đối với sự tồn vong của các loài động vật hoang dã là các hoạt động liên quan đến săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và thói quen thích dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã của người dân. Sự tuyệt chủng của các loài động vật quý hiếm có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có những giải pháp kịp thời và cần thiết để bảo vệ.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý các vi phạm liên quan đến việc buôn bán các loài động vật hoang dã với những hình thức xử lý rất nghiêm minh. Tuy nhiên, tình hình buôn bán động vật hoang dã tại Việt nam vẫn còn những diễn biến phức tạp với những cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Các địa phương xảy ra tình trạng buôn bán nhiều thường là các vùng có giáp ranh biên giới với Lào, Camphuchia và Trung Quốc. Nghệ An cũng là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với 420 km đường biên giáp ranh nước bạn Lào. Vì vậy, việc buôn bán động vật hoang dã vẫn còn diễn ra.

Các cán bộ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nâng cao nhận thức cho cộng đồng thôn bản.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng một số người dân thiếu hiểu biết tự ý mua bán, nuôi, nhốt một số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái quy định của pháp luật để làm cảnh hay các bài thuốc, món ăn chữa bệnh. Đây là những nguy cơ đe doạ trực tiếp đến sự tồn tại của các loài động vật hoang dã và thách thức lớn đặt ra đối với công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và các Khu bảo tồn nói riêng.

PV: Để bảo vệ sự đa dạng của các loài động vật hoang dã quý hiếm ở Khu bảo tồn, thời gian qua đơn vị đã có những hoạt động, biện pháp gì?

Ông Nguyễn Văn Sinh: BQL Khu BTTN Pù Hoạt được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng lớn với tổng diện tích quản lý là hơn 86 nghìn ha trên địa bàn 9 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, nơi có 73 km đường biên giới với nước bạn Lào. Vì vậy, các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật vẫn còn diễn ra, đe doạ đến công tác bảo tồn các giá trị đa dạng của các loài động vật. Để bảo vệ tốt các giá trị đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn, thời gian qua đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tối đa các tác động.

Một là, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nâng cao nhận thức cho cộng đồng thôn bản. Qua đó không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động săn bắt, mua bán trái phép các loài động vật hoang dã. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân dần thay đổi quan niệm trong việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra trên rừng để kịp thời có biện pháp cụ thể bảo tồn động vật hoang dã.

Hai là, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, các Đồn biên phòng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến săn bắt, mua bán động vật hoang dã trái quy định.

Ba là, phối hợp với các Trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế để điều tra, nghiên cứu, đánh giá lại sự phân bố, số lượng các loài trong Khu bảo tồn để có giải pháp phù hợp tập trung ưu tiên bảo vệ và phát triển.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý, giám sát đối với các loài động vật hoang dã. Các hoạt động giám sát thông qua sử dụng bẫy ảnh, GPS ... được áp dụng ngày càng thường xuyên và phổ biến để điều tra, nghiên cứu, giám sát và quản lý các loài động vật hoang dã.

PV: Thưa ông, thời gian tới, Khu BTTN Pù Hoạt sẽ có những kế hoạch, giải pháp nào để tiếp tục phát triển các loài động vật, bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm?

Ông Nguyễn Văn Sinh: Bảo vệ các loài động vật hoang dã nói riêng và đa dạng sinh học nói chung đang là một yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay cho chúng ta. Đây là hoạt động đòi hỏi có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và trách nhiệm của toàn dân. Riêng về phía BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã xây dựng những kế hoạch, định hướng rõ ràng trong thời gian tới để tiếp tục bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể:

Một là, bảo vệ tốt và nguyên vẹn hệ sinh thái rừng được giao quản lý để tạo ra môi trường, không gian sống và phát triển cho các loài động vật hoang dã, giảm thiểu tối đa các hoạt động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng và các loài động vật.

Những đợt tuyên truyền sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn động vật hoang dã và sự đa dạng sinh học.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ động vật hoang dã; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý các vi phạm.

Ba là, thu hút các nguồn lực đầu tư để nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã, đặc biệt các loài quý hiếm. Đề xuất với các cơ quan chức năng để có cơ chế phối hợp bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã liên biên giới.

Cuối cùng là thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, qua đó giảm thiểu các áp lực vào rừng.

Xin cảm ơn ông!