Làm đẹp kiểu liều
Sở hữu một chiếc mũi dọc dừa là niềm mơ ước của rất nhiều cô gái. Thời gian gần đây, các bạn gái trẻ không chỉ chú trọng việc làm sống mũi cao, mà còn tập trung vào việc làm thế nào để có cánh mũi thon. Dùng “sụn nhựa” được xem như giải pháp “vàng” cho những bạn mê làm đẹp.
Bảo Ngọc (năm thứ hai, trường ĐH Kinh tế Tài chính) cho biết: “Cánh mũi mình khá to nên nhìn gương mặt không cân đối. Mỗi lần gặp người lạ là mình lại mặc cảm. Lúc nghe có “sụn nhựa” nâng cánh mũi mà không phải phẫu thuật, chỉ cần gắn vô là xong, mình đã mua ngay để dùng”.
Trên thị trường, “sụn nhựa” nâng mũi có giá khá cao, không dưới 700.000 đồng/cặp. Anh Thi (trường ĐH Sài Gòn) kể: “Sau khi được tư vấn về cách dùng, công dụng của “sụn nhựa” nâng mũi, mình quyết định lấy một cặp.
Chị bán hàng trên mạng nói giá 1,2 triệu đồng. Mình rất bất ngờ và ngừng đặt hàng ngay lập tức. Với sinh viên như tụi mình thì cái giá đó là quá cao, trong khi, mình còn chưa biết có phù hợp và an toàn hay không”.
Hiện nay, “sụn nhựa” nâng mũi được quảng cáo là hàng nhập về từ Thái Lan hay Hàn Quốc. Giá các cửa hàng đưa ra thường ở mức “trên trời”. Tuy bán với giá “không dành cho sinh viên” nhưng vẫn có rất nhiều sinh “chịu chơi”, chấp nhận chi tiền, với hy vọng sẽ có cánh mũi thon gọn như các thần tượng K-pop.
Trên thực tế, một hộp sản phẩm giao cho khách hàng chỉ gồm một nhíp gắp, một cặp “sụn nhựa”, một dao nhựa nhỏ để làm rộng kích thước mũi, giúp đưa “sụn nhựa” vào dễ dàng.
Chỉ có vậy nhưng giá xấp xỉ 1 triệu đồng. Rất nhiều bạn đặt hàng trên mạng, khi nhận hàng đều cảm thấy bị “chặt chém” và băn khoăn về chất lượng dụng cụ bên trong nhưng đã trót mua rồi, đành tặc lưỡi.
Thận trọng không thừa
Theo lời quảng cáo thì “sụn nhựa” là dụng cụ bằng nhựa, có que chống phần da mũi, giúp đẩy cánh mũi lên cao, khi gắn vào rất an toàn, không không gây cảm giác đau đớn. Thế nhưng, nhiều bạn thử lần đầu đã nhận ra câu quảng cáo “an toàn, không đau” chỉ là bịa đặt.
Trâm Anh (trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học) chia sẻ: “Mình nhận “sụn nhựa” từ nơi đặt hàng về, háo hức gắn lên mũi. Que chống bật lên và đập mạnh vào phần da trong cánh mũi gây chảy máu. Mình hỏi lại chị bán hàng, chị nói do mình dùng sai cách. Tuy nhiên, những lần sau, dù mình cố gắng cẩn thận thì cũng không tránh khỏi cảm giác đau rát, tấy đỏ, mỗi lần gắn miếng sụn vào”.
Sử dụng “sụn nhựa”, người sử dụng không thể tham gia các hoạt động thể thao mạnh, phải hạn chế đùa giỡn và tránh va đập. Có không ít bạn phải nhập viện khi mang “sụn nhựa” và gặp tai nạn vì sơ suất.
Mỹ Linh (năm thứ ba, trường ĐH Kiến trúc TP. HCM) kể: “Mình mang “sụn nhựa” được một thời gian, khi đã dần quen với “em nó” thì sự cố xảy ra. Lúc chơi đùa với đám bạn, tụi mình có chọc ghẹo nhau, vô tình, tay của bạn thân đập vào cánh mũi mình. Hôm ấy, máu chảy nhiều đến mức mình phải nhập viện. Các bác sĩ phải lấy dụng cụ y tế gắp “sụn nhựa” ra. Kể từ hôm ấy, mình hết dám dùng luôn!”.
Bên cạnh khả năng gây tổn thương mũi, “sụn nhựa” còn có thể làm viêm, gây dị ứng, thậm chí dẫn đến hoại tử. Hầu hết các trường hợp sử dụng “sụn nhựa” đều nhận thấy, mũi mình nhạy cảm hơn, dễ đỏ tấy và chảy nước mũi. Nhưng vì muốn đẹp, các bạn không quan tâm đến các dấu hiệu kém an toàn này. Chỉ đến khi mũi chảy máu, các bạn mới lo sợ tìm gặp bác sĩ.
Bảo Ngọc chia sẻ: “Mình mua “sụn nhựa” xài được 2 lần. Nhưng một lần, mình bị va quẹt, đau xây xẩm mặt mày, thấy nguy hiểm quá, lại bất tiện khi hoạt động, vui chơi nên đành bỏ”.
Do mới xuất hiện thời gian gần đây nên “sụn nhựa” chủ yếu được bán qua Facebook, các trang mạng online và luôn được nhấn mạnh là phương pháp làm đẹp mới. Có một chiếc mũi thon gọn thì ai cũng thích nhưng bất chấp nguy hiểm để làm đẹp thì bạn nên cân nhắc.