> Hà Nội nới quy định hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp
> Thêm 3 doanh nghiệp được vay hỗ trợ lãi suất
Vì sao đua tăng lãi suất?
Theo báo cáo mới đây của Cty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đang ở mức rất thấp. Như Vietcombank, ước đạt tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 chỉ ở mức 3,4%. DongABank cuối tháng 9, tín dụng chỉ tăng trưởng 1,2% với dư nợ cho vay 51.277 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng âm.
Trong báo cáo tài chính, ngân hàng Navibank cho biết tăng trưởng tín dụng âm 8,95% và huy động cũng âm 21,4%. Trong khi tính đến ngày 30/9, cho vay khách hàng tại ngân hàng Saigonbank giảm 1,4% so với đầu năm.
“Điều đáng quan tâm, đằng sau việc các ngân hàng nâng lãi suất huy động trở lại chính là việc các ngân hàng sẽ làm gì với số tiền huy động được này. Nhiều ngân hàng tuyên bố đang thừa vốn rất lớn, trong khi tăng trưởng tín dụng đến hết quý III của nhiều đơn vị ở mức rất thấp, thậm chí có đơn vị còn bị âm. Vậy, bên cạnh việc phải nâng lãi suất huy động để giữ chân người gửi tiền, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc tìm nguồn cho vay và phải trả lãi vay cho người gửi tiền. Nếu chỉ lo chạy đua giữ chân khách hàng, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận”, Phó TGĐ một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng ở phía Nam nói.
Những “người” đua
Theo thông tin từ nhiều ngân hàng, mức lãi suất huy động đã được nâng kịch trần trở lại sau nhiều tháng xuống mức thấp nhất (trong vòng nhiều năm trở lại đây).
Mở màn cho cuộc đua tăng lãi suất huy động, một trong những ngân hàng là Sacombank đồng loạt áp dụng mức lãi suất kịch trần 7%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1- 5 tháng (kỳ hạn 6 - 11 tháng được hưởng lãi 7,3%). Với kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng và 36 tháng, ngân hàng này áp dụng mức cao nhất tới 8,8%/năm.
Nhiều ngân hàng tuyên bố đang thừa vốn rất lớn, trong khi tăng trưởng tín dụng đến hết quý III của nhiều đơn vị ở mức rất thấp, thậm chí có đơn vị còn bị âm. Vậy, bên cạnh việc phải nâng lãi suất huy động để giữ chân người gửi tiền, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc tìm nguồn cho vay và phải trả lãi vay cho người gửi tiền.
Phó TGĐ một ngân hàng thương mại cổ phần
Ngân hàng ACB cũng áp dụng mức lãi suất 6,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng (Các kỳ hạn khác lãi suất áp dụng từ 7%/năm trở lên). Mức lãi suất với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên được nâng lên 8,4%-8,5%/năm.
Tại Eximbank, lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến 11 tháng được áp ở mức 7%-7,5%. Khách gửi tiền từ 12 tháng trở lên được áp dụng lãi suất đồng loạt trên 8%. Ngân hàng DongABank áp lãi suất kỳ hạn một năm cao hơn chút ít, ở mức 8,5%/năm, trong khi Ngân hàng Quân đội (MBBank) chỉ áp mức lãi suất này đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng.
Một số ngân hàng nhỏ tại Hà Nội cho biết, mức lãi suất tiền gửi dành cho các khách hàng quen thuộc với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên được nâng lên mức xấp xỉ 9%/năm nếu gửi kỳ hạn 12 tháng.
Theo nhân viên một NHTM cổ phần, khách gửi tiền từ 500 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng... ngân hàng sẽ trả lãi 9%/năm; gửi tiền kỳ hạn 9 tháng được hưởng lãi 7,8%/năm.
Nhân viên giao dịch tại một số chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng cũng cho biết với khách VIP gửi tiền tỷ trở lên sẽ được ưu tiên cộng thêm 0,2% - 0,5% lãi suất tùy từng trường hợp.
Ngân hàng Nam Á áp dụng mức lãi suất 9,1% với tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng. Riêng kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng lãi suất được nâng lên tới 9,2%/năm.
Theo chuyên gia, động thái các ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại có thể kéo theo cuộc đua lãi suất vốn đã âm ỉ trong nhiều tháng qua trong hệ thống ngân hàng. Việc lãi suất huy động tăng do các ngân hàng phải thực hiện việc trữ vốn cuối năm (trong bối cảnh việc giải ngân cho vay tiêu dùng bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn). Cùng đó nhu cầu vay vốn để chuẩn bị cho sản xuất cuối năm của doanh nghiệp bắt đầu tăng.