Lãi suất cao chót vót: Doanh nghiệp ngắc ngoải

TP - Với lãi suất vay trên 10-13%/năm, rất nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng càng khó khăn, thậm chí có trường hợp đứng trước bờ vực phá sản vì lợi nhuận không đủ trả lãi vay.

“Chết dở” vì đói vốn

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh, TPHCM), một DN chuyên sản xuất các sản phẩm từ mật ong thiên nhiên - cho biết ông đang có nhu cầu vay 50 tỷ đồng để đầu tư thêm thiết bị máy móc, thanh toán chi phí cho nông dân cung cấp nguyên liệu. Gõ cửa rất nhiều ngân hàng nhưng ông Vũ chỉ nhận được những cái lắc đầu. “Công ty có tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp nhưng ngân hàng không chấp nhận. Trong khi trước đây, ngân hàng vẫn sử dụng đất nông nghiệp làm tài sản thế chấp”, ông Vũ nói.

Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên “sống dở chết dở” vì đói vốn, phải vay ngân hàng lãi suất cao (ảnh: U.P).

Theo ông Vũ, nếu vay với tư cách DN, lãi suất 8,2%/năm nhưng do không được ngân hàng chấp nhận nên ông đành bấm bụng vay với tư cách cá nhân, chịu lãi suất 11-13%/năm để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc vay lãi suất cao khiến Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên không thể đầu tư thêm máy móc mở rộng quy mô. Đến mùa thu hoạch, DN cũng không có kinh phí trữ hàng, bao tiêu 100% nông dân như trước mà chỉ ưu tiên những nông hộ đã cung cấp lâu năm. “Thấy nhiều hộ nông dân không chạy được đầu ra, lòng rất xót nhưng lực bất tòng tâm”, ông Vũ bày tỏ.

Đẩy mạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ tín dụng cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đạt 469.000 tỷ đồng. “Sắp tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực thi chính sách và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi để tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời phát triển dịch vụ ngân hàng và truyền thông chính sách. TPHCM cũng đang khởi động lại chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, nhận diện để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gặp khó về vốn” - ông Lệnh chia sẻ.

Ông Vũ cũng cho biết, Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên đang đầu tư một số dự án nhưng phải bỏ dở do nguồn tiền không liên tục. Để có vốn, DN phải bán bớt đất nông nghiệp đang canh tác. “Những dự án chúng tôi đã đầu tư tới 70% trước đó như nhà xưởng, nhà máy sơ chế, kho trữ nông sản… ở nhiều tỉnh như Bến Tre và các tỉnh miền Trung giờ phải “trùm mền” chờ vốn. Mỗi lần đến nhìn cỏ mọc um tùm mà không khỏi xót xa”, ông Vũ nói.

Nhắc đến chuyện tái đầu tư kinh doanh, ông N.V.T - lãnh đạo một DN chuyên hàng may mặc quần áo trẻ em (TP Thủ Đức) liền xua tay: “Tôi bán hết máy móc, nhà kho để trả nợ ngân hàng mà không đủ, phải vay nóng bên ngoài, lãi mẹ đẻ lãi con tới giờ còn ngập đầu trong nợ”. Với hơn 20 năm trong ngành may mặc, ông T. chưa từng nghĩ có ngày phá sản. Thế nhưng dịch COVID-19 ập đến, việc kinh doanh ngừng trệ. Nhà máy đóng cửa, công nhân tạm nghỉ việc. Dù không có nguồn thu nhưng lãi vay ngân hàng vẫn đến hàng tháng. Lúc đầu ông T. còn dùng tiền tích cóp trả lãi, sau này phải vay mượn bạn bè, kể cả vay “xã hội đen”. Ngay cả ngân hàng nơi ông thường xuyên giao dịch cũng từ chối cho vay đáo hạn vì lý do công ty đang làm ăn thua lỗ, bị xếp vào nhóm nợ xấu. “Đến khi được vay thì lãi suất tới 15%/năm. Nhắm không kham nổi nên tôi bán hết nhà xưởng, máy móc trả nợ, rồi bỏ nghề luôn. Tâm huyết bao nhiêu năm, rất tiếc nuối nhưng đành chịu”, ông T. ngậm ngùi.

Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ, không ít DN trong ngành "khóc ròng" vì lãi suất thực tế cho vay quá cao so với lãi suất “đàm phán miệng”. Ông dẫn chứng, có trường hợp ngân hàng gửi thông tin đàm phán lãi suất cho vay với biên độ 2,5% so với lãi suất huy động, nhưng trong hợp đồng để ký không nêu lãi suất cụ thể, ngân hàng nói đã có trong bảng chào giá nên hợp đồng không nói lại. Nhưng thực tế đến nay, biên độ đã lên đến 4-5%. Có DN đã được cấp hạn mức cho vay nhưng đến thời điểm giải ngân, ngân hàng nói không có tiền. Máy móc đã nhập về đến cảng, L/C (thư tín dụng - cam kết thanh toán) đã mở nhưng đợi đến khi được giải ngân, DN phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng cho chi phí lưu cảng.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, với lãi suất cho vay trên 10% như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động, DN cũng rất áp lực. Chưa kể, hàng loạt các chi phí đầu vào khác đang tăng đáng kể như điện, nước, nguyên vật liệu…khiến DN quá sức chịu đựng.

Không thể bỏ rơi doanh nghiệp

"Nếu trước đây ngân hàng không cho vay thì DN sẽ tự liệu cơm gắp mắm”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ nói, đồng thời cho biết, trước đó ngân hàng cho vay từ 30-50 tỷ đồng, đùng một cái năm 2018 ngân hàng ngắt vốn đột ngột khiến DN trở tay không kịp. “Chúng tôi không cần được chiếu cố, chỉ mong Nhà nước can thiệp vào cơ chế cho vay của ngân hàng thương mại, ngân hàng cần đồng hành với DN, không nên bỏ rơi giữa chừng, thấy có dự án khác ngon hơn thì bỏ rơi DN nông nghiệp”, ông Vũ bộc bạch.

Ông Văn Công Thật - Chủ tịch Hội DN huyện Cần Giờ (TPHCM) nói rằng, nếu mãi duy trì mức lãi suất cao như hiện nay, nền kinh tế sẽ co cụm vì người có tiền sẽ đem gửi ngân hàng để hưởng lãi cao chứ không ai bung ra làm ăn, còn DN không dám vay vì làm ra bao nhiêu thì cũng chưa đủ trả lãi ngân hàng bấy nhiêu. Từ đó, ông Thật kiến nghị cần có giải pháp. “Ngân hàng cần sớm có giải pháp làm sao hạ lãi suất để DN có thể sản xuất kinh doanh…”, ông Văn Công Thật kiến nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, các DN thuộc nhiều lĩnh vực như lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ… đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. “Khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã khiến nhiều DN thiếu hụt vốn để tiếp tục đầu tư, tái sản xuất và mở rộng thị trường, kéo theo hệ lụy là không đủ tài sản để thế chấp vay vốn. Ngay cả khi tiếp cận được vốn, DN cũng không dám vay vì lãi suất tăng cao”, ông Hòa nói và cho biết thêm, gói hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì các DN lo ngại về thủ tục giấy tờ cũng như vấn đề thanh tra, kiểm tra.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng bày tỏ sự sốt ruột trước những khó khăn của DN. Ông yêu cầu các ngân hàng khi triển khai các chính sách cần cung cấp thông tin công khai, minh bạch để các DN kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận nguồn vốn, đồng thời cơ cấu lại nợ cũng như các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi… “DN nào gặp khó khăn, cần trao đổi thẳng thắn với ngân hàng để ngân hàng có thể sắp xếp hoặc hỗ trợ. Khi sử dụng nguồn vốn này, DN cần tái cơ cấu sản xuất kinh doanh để sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao nhất”, ông Mãi nhấn mạnh.