Lại lo USD tăng giá

TP - Tâm lý lo tỷ giá biến động vẫn đang hiện hữu và khả năng giá USD tăng là rất có thể...
Giá VND/USD năm 2016 được dự báo điều chỉnh ít nhất 3% tuy nhiên từ đầu năm đến nay vẫn đứng yên. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đến hết 3/2016 kỳ vọng tỷ giá VND/USD tăng 1% trong quý đầu năm của giới đầu cơ đã không thành hiện thực. Có được sự ổn định này phải kể hàng loạt các biện pháp kỹ thuật “rắn” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bên cạnh yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Tuy nhiên, tâm lý lo tỷ giá biến động vẫn đang hiện hữu và khả năng giá USD tăng là rất có thể...

USD dồi dào, FDI giải ngân mạnh

Báo cáo quý 1/2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa phát hành cho hay, kết thúc tháng 3/2016, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn được giữ ổn định trong biên độ trên của tỷ giá trung tâm do NHNN đưa ra, dao động quanh mức 22.200 - 22.500 VND/USD.

Ủy ban Giám sát cũng chỉ ra lý do tỷ giá VND/USD ổn định đến từ việc: Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện thận trọng việc tăng lãi suất và đồng Nhân dân tệ (NDT) trong quý I/2016 không biến động nhiều giúp giảm áp lực tỷ giá; Tỷ giá trung tâm được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016 có biến động hai chiều (tăng/giảm) bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, hạn chế tỷ giá bị điều chỉnh đột ngột, giúp loại bỏ tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.

Cùng lúc, thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy, việc găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp tại TPHCM đã giảm nhiều so với trước đây. Cụ thể, từ tháng 10/2015 đến nay, tỷ lệ huy động USD tại các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã giảm 6,2% so với thời điểm trước đó. Theo NHNN, tính chung trên toàn quốc đến cuối tháng 2/2016, huy động USD giảm đến gần 4%.

Một báo cáo vừa phát hành của Công ty chứng khoán BVSC cũng chỉ ra: Tỷ giá sẽ tạm thời ổn định quanh mức 22.300 VND/USD trong một vài tuần tới, nhờ những điều kiện thuận lợi hiện thời là nguồn cung ngoại tệ trong nước duy trì dồi dào do cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu nhẹ trong cả quý I (776 triệu USD). Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm lên đến 2,8 tỷ USD tăng 135% so với cùng kỳ.

Lãi suất USD 0%, gửi tiền nào có lợi?

Chia sẻ với PV Tiền phong, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, những ngày này, trên thị trường liên ngân hàng, nguồn cung ngoại tệ rất dồi dào “Các ngân hàng mua bán với nhau rất thoải mái với lãi suất thấp chưa đến 1%. Còn nguồn cung dồi dào vì các doanh nghiệp FDI đang giải ngân rất mạnh và những ngày này, ngay chính NHNN liên tục mua ròng ngoại tệ”, vị này nói.

“Giả sử trong năm 2016, VND sẽ tiếp tục mất giá so với USD. Nếu cứ lấy dự báo USD tăng giá từ 3-5% so với VND thì so sánh với lãi suất tiền đồng hiện tại từ 6-7% (cho kỳ hạn 6-12 tháng) thì việc giữ VND để lấy lãi suất như hiện nay vẫn có lợi hơn USD và người dân vẫn bảo toàn tài sản”. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Cũng vị lãnh đạo trên bật mí: Từ đầu năm đến nay, có tới hơn một nửa số khoản gửi tiết kiệm USD đến thời gian đáo hạn sau khi được nhân viên ngân hàng tư vấn, khách hàng đã đồng ý chuyển qua gửi tiết kiệm bằng VND. “Vì gửi USD lãi suất 0% nên chúng tôi phải lách chuyển sang tặng quà, khuyến mại nhưng tâm lý khách hàng đều không thích. Thời gian tới, dự báo xu hướng chuyển tiền gửi từ USD sang VND sẽ ngày một tăng do sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD hiện đã lên đến 6% -7%/năm”, vị này nói.

Thực tế cũng cho thấy, huy động VND của các ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng khoảng 1,3%, trong khi đó, huy động ngoại tệ lại giảm. Dẫu vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải tất cả người dân đều chấp nhận chuyển đổi sang tiền đồng để gửi. Tại một phòng giao dịch của MaritimeBank trên đường Nguyễn Thái Học, dù cô nhân viên lên tiếng thuyết phục rất lâu nhưng bác Nguyễn Thị Hạnh (nhà ở Nguyễn Chí Thanh) có một khoản tiền gửi 20.000 USD đã đến ngày đáo hạn vẫn nhất mực chấp nhận gửi lại với  lãi suất 0% dưới hình thức không kỳ hạn thay vì bán đi và gửi tiền đồng lấy lãi suất cao. Nghe chuyện, một giám đốc chi nhánh Vietcombank thừa nhận: Đây là giải pháp rất nhiều người gửi tiền USD đang lựa chọn và họ có ý chờ giá USD tăng giá rồi mới bán ra.

Theo nhận định của bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC, năm 2015, VND đã giảm giá trên ngưỡng cam kết của NHNN. Sau đó, nhờ biện pháp điều hành tỷ giá từ NHNN đã giúp thị trường ổn định, giảm áp lực lên VND. “Tỷ giá USD/VND sẽ không tăng mạnh như năm trước, vì thị trường đã giảm kỳ vọng, nhưng VND có khả năng mất giá 3% trong năm nay”, bà Izumi Devalier dự báo.