Lạ kỳ điệp viên cá trê, chuồn chuồn máy của CIA

TPO - CIA, hay Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, nổi tiếng với việc chế ra nhiều thiết bị do thám, gián điệp tinh vi, dưới vỏ bọc khó ngờ đối với công chúng, cho đến khi mọi việc được giải mật.  
Cá trê robot Charlie

Vào những năm 1990, CIA tự hỏi liệu có thể tạo ra một phương tiện dưới nước không người lái (UUV) hay không. Vì vậy, cơ quan này đã xây dựng UUV như một thứ để trình diễn công nghệ và sử dụng thiết bị này để thu thập mẫu nước. Tất nhiên, đây là CIA, và do vậy thậm chí cả UUV cũng được ngụy trang một cách tinh vi, dưới dạng một con cá trê tầm thường.

Theo PM, Văn phòng Công nghệ tiên tiến của CIA đặt ra mục tiêu “nghiên cứu tính khả thi của các phương tiện không người lái dưới nước và các công nghệ robot dưới nước khác” nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo. CIA đã chế tạo robot của họ với các tính năng về tốc độ, độ bền, khả năng cơ động, kiểm soát độ sâu, độ chính xác của hệ thống điều hướng, hoạt động tự chủ và khả năng liên lạc vô tuyến.

Là một nền tảng thu thập thông tin tình báo, robot sẽ cần có vỏ bọc. Vì vậy, CIA quyết định bắt chước một con cá da trơn, và do đó, con cá trê máy có biệt danh“Charlie” đã ra đời. Tuy nhiên, không giống như một con cá da trơn thực sự, có nhiệm vụ ăn rác và các loài cá khác ở đáy hồ và suối nước ngọt, nhiệm vụ của Charlie là thu thập các mẫu nước mà không bị phát hiện.

Charlie có thân vỏ được điều áp và hệ thống dằn, để duy trì khả năng kiểm soát độ sâu. Điều đó khiến nó trở thành một thứ gì đó gần như tàu ngầm. Nhưng một con cá da trơn thực sự không sử dụng chân vịt, vì vậy các kỹ sư của CIA đã chế tạo ra một hệ thống động cơ bao gồm một chiếc đuôi vẫy qua vẫy lại - giống như một con cá thật. Các nhân viên CIA đã điều khiển Charlie bằng hệ thống điều khiển không dây cầm tay.

Chúng ta không biết chắc liệu Charlie có từng làm bất kỳ công việc nào thực sự mang lại hiệu quả cho CIA hay không. (CIA vẫn đang giữ kín việc này). Một hệ thống chỉ huy vô tuyến không dây sẽ hạn chế nghiêm trọng tính hữu dụng của Charlie trên thực địa, vì đặc vụ của CIA được giao kiểm soát “con cá da trơn” này cần phải ở gần đó để giữ quyền kiểm soát.

Ngoài ra còn có câu hỏi một robot cá da trơn có thể hữu ích ở đâu — Triều Tiên có nhiều trang trại nuôi cá da trơn, nhưng đó chỉ là một hiện tượng gần đây. Chúng không phổ biến vào những năm 1990.

Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ biết được toàn bộ sự thật về Charlie, giống như chúng ta đã biết về một số dự án bí mật khác của CIA, bao gồm máy bay không người lái hạt nhân và gián điệp robot chuồn chuồn bí mật.

Vào cuối tháng 12 năm 2003, CIA đã tiết lộ nhiều công cụ chưa từng thấy phục vụ công tác gián điệp tại bảo tàng của chính họ gần Washington. Chúng bao gồm một thiết bị nghe được thiết kế giống như phân hổ để ghi lại các cuộc di chuyển của quân đội ở Việt Nam và một con cá robot thu thập mẫu nước gần các nhà máy hạt nhân bí mật và một con chuồn chuồn robot nhỏ.

Thoạt nhìn, hiện vật thời Chiến tranh Lạnh những năm 1970 này trông giống như bất kỳ con chuồn chuồn xanh thông thường nào. Nhưng đó là một gián điệp cỡ con bọ đại diện cho bước tiến lớn đầu tiên của chúng ta vào thế giới phức tạp của robot côn trùng. Đó là một thành tựu đáng kinh ngạc vào thời điểm khi bộ vi xử lý là một phát minh mới.