Mua than: bao nhiêu cũng có
Chúng tôi tiếp cận một nhân mối từng làm than ở Ngọc Kinh và An Điềm (nay đã nghỉ), nắm tường tận mọi hoạt động trên mỏ cũng như đường đi của than. Buổi đầu, nhân mối không dẫn đường, chỉ nói: Đến các bãi than, hỏi bãi nào của thằng T. (xin được giấu tên) là ra hết mọi chuyện.
Dọc QL14B từ Đại Hiệp tới cầu Hà Nha (Đại Hồng) hai bên là hàng chục bãi đổ than của nhiều DN khai thác 2 mỏ An Điềm và Ngọc Kinh. Bãi đầu tiên là của bà L., chỉ hơn ngàn tấn nhưng qua điện thoại, bà L. nói muốn mua bao nhiêu cũng có.
Bãi than thứ 2 của doanh nghiệp Đ.L. Có thông tin đây là sân sau của chủ mỏ T., khoảng 3 ngàn tấn. Chúng tôi trong vai người đi mua than số lượng lớn để chở vào Quảng Ngãi.
Người phụ nữ tên Th. nhanh nhảu: Than ở đây đảm bảo chất lượng, lấy tại chỗ giảm giá cho 900.000 - 1 triệu đồng/tấn, giao tận nơi thì cao hơn chút đỉnh, cỡ triệu hai đến triệu tư, tùy phí. Mấy chú lấy nhiều, thường xuyên thì có cơ chế chiết khấu.
Khi chúng tôi tỏ ra e ngại về việc chính quyền thường kiểm tra và hiện nay không cấp phép khai thác nữa, chị này tỏ ra tự tin: Ôi dào, là thông tin thế thôi, đừng lo. Than của chị đây cũng là của chú T. Mà chú T. ở đây, ai không biết. Lo hết trơn rồi ! Chú về báo cáo sếp đi, gì chứ 50 ngàn tấn lúc nào cũng có.
Tiên phong, chặn hậu và tẩu tán
Nhân mối thông báo, một số chủ than đang vận chuyển than từ mỏ An Điềm theo giấy phép và đã có DN lợi dụng để khai thác thêm. Ngoài ra, mỏ Ngọc Kinh chỉ còn 2 DN là Hạnh Ngọt và Anh Lài còn phép cho tới cuối năm 2012, nhưng khai thác số lượng nhỏ và diện tích hẹp.
Cụ thể, DN Hạnh Ngọt được cấp phép khai thác 7,12 ha, DN Anh Lài 2,63 ha. Tuy nhiên, một chủ mỏ ở An Điềm cũng đã bắt đầu triển khai quân rầm rộ khai thác ở Ngọc Kinh mấy tháng nay.
Mặc dù hành trình lên mỏ Ngọc Kinh của chúng tôi khá bí mật nhưng đến ngay chân núi, đã có vài ba nhân vật chặn đường. Sau đó, trên con đường nham nhở bụi mù mịt lên mỏ, trước chúng tôi một quãng là một xe tiên phong, đằng sau cũng có chặn hậu.
Tới đỉnh, thanh niên ngồi trên xe chặn hậu nẹt pô leo dốc, chặn đầu xe, hỏi: Mấy anh là ai, đi đâu, làm gì? Khi được biết mục đích chúng tôi đi... mua than, người này rút điện thoại, thông báo: Họ đi mua than anh ơi, giấu xe cho phí công.
Cũng ngay sau đó, nhân mối gọi điện thông báo, họ thấy động, biết nhà báo lên, đã cho xe múc giấu trong rừng, còn xe tải chở than núp hết dưới này rồi. Quả nhiên, lên tới đỉnh, trong bãi mà doanh nghiệp T. khai thác chỉ còn vài công nhân loe hoe, im vắng.
Anh L.B, một người dân đào than, nói: mấy ngày trước họ làm suốt, đưa xe cẩu, xe múc lên rầm rộ. Rồi cũng anh này bật mí: Họ tinh lắm, thám thính khắp nơi, hễ có người của chính quyền, công an, nhà báo mới lên tới chân núi là trên này sơ tán.
Dư luận đồn thổi, kiểm tra chưa có gì (!?)
Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc (Quảng Nam) khẳng định huyện đã làm đúng theo chỉ thị của UBND tỉnh (CV số 2274/UBND - KTN ngày 25-6-2012 về việc chuyển than đá tồn đọng tại mỏ than Sườn Giữa (An Điềm).
Theo ông Tính, số lượng than tồn đọng từ năm 2011 đến trước thời điểm 25-6 của 6 DN ở An Điềm khoảng 20 ngàn tấn. Ngoài 6 DN này, còn có một DN nữa được tham gia chở số than trái phép 2.500 tấn do cơ quan chức năng phát hiện, nay bán đấu giá. Cty TNHH Nguyễn Thành Trung trúng thầu và chở ra.
Theo ông Phan Đức Tính, trước việc dư luận đồn thổi các DN lợi dụng việc chở than để đào khoét, khai thác mới, huyện đã lập đoàn liên ngành, giao công an huyện chủ trì thường xuyên lập chốt chặn, kiểm tra 24/24.
Ban đầu chỉ phát hiện một vài DN lợi dụng để khai thác mới nhưng do phát hiện sớm nên kịp thời ngăn chặn. Trung tá Lê Nho Tâm – Phó trưởng công an huyện Đại Lộc, cho hay, khi dư luận đồn thổi, công an cũng phát hiện một số địa điểm của Cty TNHH Nguyễn Thành Trung có đào mới nhưng chưa ảnh hưởng gì.
Trước câu hỏi của chúng tôi nghi vấn một số cán bộ phòng TN&MT huyện tiếp tay cho các DN than khai thác trái phép, ông Tính cho hay, cũng có nghe thông tin nhưng không thể kiểm chứng.