Ký ức một thời lửa đạn: Hành quân sang nam Lào

TPO - Với lòng nhớ thương và cảm phục đồng đội đã từng “vào sống ra chết” cùng mình, nữ cựu chiến binh Lê Thị Mộng Phượng (quê Thạch Trung, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bồi hồi chia sẻ ký ức về những tháng ngày gian nan trên chiến tuyến diệt thù. 
Nữ cựu chiến binh Lê Thị Mộng Phượng (hàng sau, ngoài cùng bên trái) trong một lần về thăm lại bà con Vân Kiều năm 2010. (ảnh: NVCC)

Ở cái tuổi 65 nhưng gương mặt chị vẫn ngời lên nét thanh tú một thời xuân sắc. Trong những câu chuyện kể của chị luôn đan xen giữa tiếng cười lạc quan dí dỏm và tiếng nấc nghẹn khi nhớ lại đồng đội năm xưa… 

Tiểu đội nữ chiến sĩ thông tin

Do tổn thất quá lớn, nên sau 6 tháng mở đường, cấp trên đã điều các chị ra tuyến sau để nhận nhiệm vụ mới. “Chia tay” lính công binh chị được điều về Đại đội 17 thông tin để huấn luyện. Đơn vị của chị đóng quân tại Quảng Trạch (Quảng Bình). Với năng lực và tố chất chỉ huy sẵn có, chị đã được cấp trên giao nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng của một tiểu đội thông tin. Hằng ngày các chị học về thông tin hữu tuyến với khóa học thời gian trong 3 tháng.

Chị bồi hồi nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ như in những đêm báo động hành quân, những đêm trực chiến. Với cánh lính chúng tôi sợ nhất là báo động hành quân.  Vì ai cũng phải bật dậy thật nhanh và xuất phát thật đúng giờ, nếu không sẽ bị kiểm điểm phê bình. Do vậy, chúng tôi có sáng kiến là khi ngủ vẫn đi cả giày, mũ cối để ngay trên đầu và ba lô để sát bên cạnh, khi nghe tiếng còi báo động là bật dậy nhanh như cái lò xo. Là tiểu đội trưởng nên tôi cần phải nhanh nhất để còn đôn đốc các đồng chí khác. Thế là đêm này qua đêm khác cả tiểu đội ngủ trong tình trạng  “giày theo người”, ba lô sẵn sàng, thậm chí còn đội luôn cả mũ”.

Tiểu đội của chị luôn được tuyên dương là nhanh nhất, đội ngũ đẹp nhất, giường chiếu, chăn màn gấp gọn gàng đẹp nhất. Chị cười tinh nghịch: “Đúng là “được tiếng khen ho hen chẳng còn”. Tôi đã mất ăn mất ngủ để đôn đốc các đồng chí trong tiểu đội thực hiện nghiêm túc điều lệnh, điều lệ Quân đội và những nội quy, quy định của đơn vị đề ra.

Những hôm tập rèn hành quân, tiểu đội tôi cũng có một vài đồng chí vừa đi, vừa khóc do chưa quen được gian khổ. Những lúc ấy tôi đã trổ hết tài để động viên, chia sẻ, có khi cõng dùm cả ba lô cho đồng đội nữa. Dần dà, mọi người tiểu đội tôi đều thoăn thoắt hành quân không một tiếng thở dài”

Vừa cười hóm hỉnh xong, vẻ mặt chị lại buồn thiu khi nghĩ đến đời người con gái nơi rừng thiêng, nước độc. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của nam giới giữa chốn đại ngàn đã vất vả rồi, nhưng với các chiến sỹ gái thì còn khổ gấp nhiều lần hơn. Nét mặt đượm buồn, chị đưa chúng tôi trở lại cuộc sống thời chiến qua từng thước phim hồi tưởng.

Giọng chị như nghẹn lại khi kể căn “bệnh lạ” của một số chị em phụ nữ ngày đó: “Thế rồi, trong đơn vị bỗng xuất hiện cái bệnh 'quái đản'. Một số chị em bị ốm, cứ vừa khóc, vừa cười. Mỗi lần nhìn thấy đồng chí bộ đội nam là ánh mắt của chị em như ngây dại. Mãi sau này tôi được thông báo mới biết đó là bị bệnh 'ếch-tơ-ri'. Cái bệnh này lúc đó không điều trị được mà thường phải dùng roi, như cành cây phi lao.

Nếu người bệnh bị đánh đau thì sẽ im ngay, nhưng sau đó lại tiếp tục khóc, cười, ngây dại. Nghĩ cũng thật tội cho mấy đồng chí nữ ấy, do thần kinh yếu không chịu được gian khổ, thiếu thốn, không được quan tâm và phải chứng kiến đồng đội đổ máu, hi sinh nên một số chị em mới bị như vậy.

Chẳng bù cho tôi cả 3 năm đi lính chẳng ốm đau ngày nào, công việc cứ làm phăm phăm. Làm hết việc của mình, tôi làm giúp cho đồng chí khác. Từ việc đi lấy củi, tăng gia trồng rau hay chăn nuôi lợn gà, tôi thường vượt chỉ tiêu của đơn vị đặt ra. Cả đơn vị chẳng ai có thể lấy một ngày được 10 bó củi, nhưng tôi lại lấy được đến 15 bó là chuyện thường”.

Chị Lê Thị Mộng Phượng trong một lần về thăm viếng liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9 (ảnh: NVCC)

 Năm 2016, tại thành phố Hà Tĩnh, chị Phượng (bên trái) gặp lại chị Toàn (bên phải, nữ chiến sỹ bị thương cháy xém gương mặt trong trận bom B52 trên đường hành quân vào Thượng Lào).( ảnh: NVCC)
Cuộc hành quân của 5 chiến sĩ gái

Sau 3 tháng học xong khóa thông tin hữu tuyến, các chiến sỹ được điều về bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Chị và 4 đồng chí nữ khác được bổ sung cho Binh trạm 41, lúc đó đóng  quân tại cây số 39 đường 9 nam Lào. Chuyến đi này chỉ có 5 người và 1 cán bộ giao liên dẫn đường.

“Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in 4 gương mặt tươi trẻ trong nhóm của chúng tôi lúc đó là Hương, Thuần, Mão và Hán. Trong đó, chỉ có Thuần ở Nghi Đan, (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), còn lại Hương, Mão và Hán đều là người Nam Đàn (Nghệ An). Thời gian sau, tôi được về làm việc cùng với Thuần ở Cơ quan Tham mưu vận chuyển của Binh trạm 41.

Cô bé Hương rất xinh, nhỏ nhẹ nhưng sức khỏe yếu nên mỗi khi hành quân Hương thường đi sau, vừa đi vừa khóc. Vì thế, tôi luôn là người mang hộ quân tư trang cho cô ấy, nhưng rồi sau này Hương phải nằm lại dọc trạm giao liên vì sốt rét không thể đi được nữa” - Kể đến đây, giọng chị chùng xuống buồn buồn.

Cả nhóm 5 chiến sỹ gái phải hành quân dọc các trạm giao liên. Đây là thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, bởi vì trước đó chiến dịch “Mậu Thân năm 68” của quân ta bị tổn thất rất lớn. Với cái “thế cài răng lược” của địch, nhiều nơi quân ta bị chặn hết mọi con đường chi viện, và cảnh tượng đó cũng xẩy ra với các trạm giao liên. Cả nhóm 5 người cố gắng đi mỗi ngày qua được một trạm giao liên, mà càng lên cao càng đi chậm.

Mệt, đói, khát và những cảnh tượng hi sinh mất mát gặp dọc trạm giao liên đã làm cho cả nhóm vô cùng đau đớn. Nhưng không vì thế mà làm chùn bước chân của các chị, trái lại càng nung nấu thêm ý chí quyết tâm phải hành quân đến được đơn vị chiến đấu. Càng nghe và nhìn chị kể chuyện trong nước mắt, chúng tôi cảm thấy có điều gì đó dâng lên đau nhói trong lòng. Chiến tranh ở đâu và khi nào cũng cực kỳ khốc liệt.

Nhấc cặp kính trắng, lau những giọt nước mắt, rồi chị kể tiếp: “Chứng kiến những cái võng tăng ở các trạm giao liên vẫn còn đó, lác đác những thi thể đồng đội nằm trên võng, tay vẫn còn nắm chặt những lá thư, những tấm hình của mẹ, của vợ, của con nhỏ và họ dường như đã ra đi thanh thản khiến chúng tôi không tài nào ngăn nổi nước mắt. Các anh hi sinh không những chỉ vì bom đạn mà còn vì đói, vì sốt rét và bệnh tật. Nhìn quanh trạm giao liên, chúng tôi còn thấy đâu đấy vương vãi những lá thư với những dòng chữ đã nhòe do mưa nắng, thời gian. Chúng tôi tận mắt chứng kiến bao nhiêu đồng đội hy sinh như vậy dọc theo đường giao liên. Nhưng chẳng có ai còn nhiều thời gian để dừng lại bên các anh, chúng tôi mải miết đi đi mãi để mong kịp đến đơn vị chiến đấu trả thù cho đồng chí của mình”.

Cứ thế, ba tháng trời các chị hành quân mặc cho đói khát, bom đạn, thám báo luôn rình rập và cái chết luôn kề cận. Với sức trẻ và ý chí một lòng “Vì miền nam ruột thịt” đã thôi thúc các chị nuốt nước mắt vào trong, đẩy lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược lên đến đỉnh đầu. Trong suy nghĩ của các chị lúc đó chỉ có một quyết tâm là phải vượt qua bằng được chặng đường gian khổ để sớm đến đơn vị tham gia chiến đầu.

Không còn vẻ buồn tư lự nữa, giọng chị kể hào hứng hơn: “Trên đường hành quân chúng tôi đã gặp bao nhiêu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, có cả phụ nữ, nam giới đồng bào Vân Kiều, Pakô… đi tải đạn, tải gạo. Họ mang vác trên đôi vai của mình một trọng lượng lớn hơn cả cơ thể, họ đi hết ngày nọ đến ngày kia để tiếp thêm gạo, vũ khí cho tiền tuyến. Những lúc ấy chúng tôi chỉ biết thầm cảm phục họ và đâu đây văng vẳng bên tai tôi lời hát “Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu” là như thế đó. Gặp nhau chưa kịp chào câu “đồng chí” mọi người đã vội bước vượt lên rồi.

Tiếng thở dốc, tiếng bước chân nặng nề là vậy nhưng chẳng có ai lùi lại phía sau, tất cả đều cố gắng đi thật nhanh về phía trước”. Sự hào hứng trong lời kể của chị chỉ thoảng qua rồi nhường chỗ cho những nỗi niềm đau xé tâm can. Chị kể tiếp: “Càng đi vào trong chúng tôi càng gặp những cán bộ y tế đi ngược chiều cùng với những chiếc võng và trên đó là những người thương binh nằm bất động. Điều đó cho thấy chiến trường vẫn còn ác liệt và đơn vị chúng tôi cần đến ngày một gần hơn”

Sau ba tháng “trui rèn” tại đơn vị giữa chiến trường Đường 9 Nam Lào, chị Phượng và 3 đồng chí nữ cùng nhóm còn lại được phân công về Trung đoàn bộ Trung đoàn 541 nhận công tác, lúc bấy giờ gọi là Binh Trạm 41. Cấp trên phân công chị về làm “anh nuôi” của trung đoàn bộ. Vậy là một nhiệm vụ mới lại bắt đầu với chị. (còn nữa)

Hà Nội - TP.HCM, tháng 7 năm 2017