Tôi không có vé và cũng không quyết mua, một phần vì không tìm được vé rẻ, phần chủ yếu vì phải lên tàu về Mátxcơva khi hiệp 1 vừa kết thúc.
Tôi quyết định xem hiệp 1 cùng những người không vé. Khoảng 1 tiếng đồng hồ trước trận đấu, tôi rẽ vào Fan Fest, nơi người ta dựng màn hình lớn cho những fans không vé xem trận đấu.
Vị trí của nó trước cửa Nhà thờ Máu, từ Cung điện Mùa Ðông đi bộ nhanh qua chỉ chừng 10-15 phút theo Nevsky (đại lộ chính của thành phố) rẽ vào phố Griboiedov thẳng vào là đến. Griboiedov là nhà văn Nga tiến bộ thế kỷ 19 có tiểu thuyết “Ðau khổ vì trí tuệ” rất nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tư tưởng cách mạng ở nước Nga (tiểu thuyết đó nói về nỗi đau khổ của người có trí tuệ nhận thức được tấn bi kịch của xã hội Nga Sa hoàng khi đó). Có lẽ mang tên nhà văn mà con phố này trở thành con đường nghệ thuật. Chiều tối, có nhiều nhóm nhạc đường phố hát, chơi nhạc ở đây. Ðây cũng là nơi kiếm sống của các họa sĩ tốc họa chân dung (mỗi chân dung vẽ trong khoảng 20 phút, giá trên dưới 600 rúp, khoảng 10 đô).
Hôm nay, ngoài các thành phần “chất nghệ” kia còn có nhiều người, chủ yếu là các cô gái trẻ, không biết là họa sĩ chưa phát lộ tài năng hay sinh viên trường họa ra đây vẽ cờ thuê lên má cho fan bóng đá. Cạnh đó là nhiều sạp hàng bày ngay trên đường (không thấy ô tô được đi vào) bán mũ mão, khăn áo, cờ quạt dùng để cổ động, nhưng không thấy có mấy người lại mua.
Trước cửa Fan Fest, một dòng người không phải quá dài đang xếp hàng đi qua mấy cái máy soi an ninh. Ba cô tình nguyện viên đồng phục rất xinh đang vừa nhảy múa vừa thỉnh thoảng hướng dẫn bằng tiếng Anh cho du khách.
Tôi và người bạn đi cùng đứng vào hàng di chuyển tới gần cổng an ninh chủ yếu hòa vào không khí để trải nghiệm chứ không có ý định vào xem ở đây vì sợ hết hiệp 1 không kịp chạy ra ga. Khán giả ở đây không mấy độc đáo vì ít chịu hóa trang như trên Mát (có lẽ cả do không có đội Nga đá?).
Ðến gần tới máy soi, chúng tôi len ngược ra để rời tới một điểm xem khác nằm trong Galeria - một trong những trung tâm thương mại lớn lâu đời nhất ở Saint Petersburg, nằm trên đại lộ Ligovsky. Galeria là “hàng xóm” của nhà ga nơi tôi phải lên tàu sau khi hiệp 1 kết thúc 30 phút.
Ðiểm này tí hon so với Fan Fest, dù đằng kia chỉ chứa được 1.500 người. Ấy nhưng giống như chim ruồi dẫu bé vẫn có đủ cả tim, gan, phèo, phổi, điểm xem mà dân ở đây gọi là Ga-lê có khán đài gỗ dã chiến hình móng ngựa giật cấp từ thấp lên cao như nửa sân vận động bao lấy một màn hình khá lớn đặt ngay tầng 1 rộng mênh mông của Galeria, không xa các gian hàng khá sang trọng.
Một CĐV đi xem trận bán kết Pháp-Bỉ nhưng lại khoác theo lá cờ Nga. Ảnh LXS
Một nữ CĐV Pháp xinh đẹp ở Fan Fest. Ảnh LXS
Khi tôi vào thì đã 9 giờ tối kém vài phút (ở Việt Nam đã gần 1 h sáng ngày hôm sau), trên màn hình bắt đầu giới thiệu đội hình hai đội. Người ngồi kín, tôi đưa mắt ước lượng số fan ngồi trên “khán đài”, đứng trên cầu thang và hành lang các tầng trên để xem chắc không quá 400 nhân mạng. Tia thấy một khe hở hẹp giữa hai người đàn ông to lớn trên khán đài, tôi tức tốc lên nói “xin lỗi”. Tức thì mỗi người nhích ra một chút, tôi có chỗ ngồi xem tuyệt đẹp chính diện màn hình. Phải khôn lỏi và trơ mặt thôi, tôi nhất thiết phải có chỗ ngồi vì vừa phải đứng xếp hàng và đi bộ gần như liên tục từ lúc khoảng 12 giờ trưa cho đến 9 giờ tối để xem Bảo tàng Hermitage và quán cà phê Văn học, nơi Pushkin ngồi uống tách cà phê cuối cùng trước khi ra nơi đấu súng với tên sĩ quan Dantes để rồi bị giết năm mới có 37 tuổi.
Khán giả chủ yếu người Nga xen lẫn ít người nước ngoài. Ðó là một “cử tọa” lịch sự, mỗi pha bóng hay họ lại vỗ tay rôm rả. Ngạc nhiên là nhiều người trong số họ là fan “hai mặt” bởi cổ vũ cho cả hai phía. Nhiều người cả buổi chả phát ra âm thanh nào, trong đó có 4 người ngồi trước, sau và hai bên tôi. Tia tứ phía cũng thấy nhiều cô xinh, nhìn màn hình chăm chú chả biết là fan gộc hay là mê mấy anh chàng Pháp, Bỉ điển trai (tôi nhớ hồi France 98, mấy phu nhân từ Sứ quán Ðan Mạch được mời tới Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp bình luận sau trận đấu chỉ chủ yếu nói về mấy cầu thủ dễ thương).
Chung quanh đấu trường World Cup mi ni của chúng tôi, người mua hàng lượn tấp nập. Trừ những người đã sà vào khán đài, tôi để ý dường như chả có ai quay đầu về phía màn hình dù có nhiều người đi qua là các chàng trai trẻ.
Hiệp 1 vừa kết thúc là tôi len ra ngay, liên hồi xin lỗi để ngăn chặn trước tiếng càu nhàu. Tức tốc lấy đồ đạc đi bộ sang ga. Cả hai việc mất đúng 10 phút. Còn 25 phút đi nhòm ngó trong nhà ga. Hàng hoá, đồ lưu niệm thì nhiều nhưng không có màn hình nào để xem tiếp ít phút hiệp 2.
9 giờ 27 phút tối, tôi lên toa bước vào khoang của mình. Một người đàn ông chừng 60, bề ngoài toát lên vẻ “tầm cỡ” (tôi không lầm vì sau đó mới biết trước khi hồi hưu ông là tổng giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm) đã ngồi sẵn ở đó, chụp tai nghe nối vào điện thoại. “Tôi đang nghe tường thuật bóng đá trên đài phát thanh” - ông nói khi tôi chào, bắt tay tự giới thiệu. Tôi nôn nóng: “Tỉ số thế nào rồi?” “Pháp vừa ăn bàn”. Ông không trả lời được tôi là ai ghi bàn vì “sóng yếu, chập chờn quá”. Tôi mở ngay điện thoại, vào báo điện tử Tiền Phong đang tường thuật trực tiếp trận đấu. May quá, anh em ở nhà đã kịp cập nhật. Tôi chỉ cái tên Umtiti to tướng ngay trong tít trên vị trí nổi bật đầu trang chủ, tự hào nói: “Umtiti ghi bàn, ông thấy chưa?”. Lại tia cái lời dẫn bên dưới tít, đắc thắng bắn tiếp: “Trung vệ ghi bàn. Ðánh đầu từ quả phạt góc”. “Phạt góc thì tôi biết” - nguyên tổng giám đốc vớt vát.
Tôi ra ngoài một lát quay vào, ông thông báo: “Bù giờ 6 phút, đã qua 4 phút. Pháp chuẩn bị đá phạt góc. Một lát sau lại nói: “Xong, hết giờ, Pháp thắng rồi”. Thấy nét mặt của ông, tôi hỏi: “Sao vậy, ông là fan của Bỉ à?”. Ông làu bàu: “Thì cũng muốn Pháp thắng, nhưng trận này có lẽ để Bỉ thắng thì hay hơn”. Tôi ngạc nhiên: “Ông thấy Bỉ mạnh hơn à?” “Không, nhưng hôm nay toàn mấy anh châu Phi đá chứ có phải người Pháp đá đâu!”.
Sau khi tôi tính tên từng người cho ông thấy đội áo lam có 5 cầu thủ Pháp “thuần chủng” đá chính cộng thêm anh chàng Varane trung vệ đoán bề ngoài phải có không dưới 50% máu da trắng, còn Bỉ ít nhất cũng có 3 cầu thủ da màu đá chính thì ông có vẻ nguôi ngoai, im lặng soạn chỗ nằm, lên trùm chăn, chúc tôi ngủ ngon.
Tôi ngồi vài phút đợi ông thở đều rồi mở điện thoại bắt đầu viết bài tường thuật.